Nằm trên một hòn đảo diện tích khoảng 2500 m2 nổi giữa sông Vàm Thuật ở địa phận quận Gò Vấp, miếu Phù Châu là công trình tín ngưỡng độc đáo của TP HCM. Do vị trí đặc biệt của mình, ngôi miếu này còn được người dân gọi là miếu Nổi.
Trong dân gian lưu truyền nhiều giai thoại về nguồn gốc hình thành của miếu Phù Châu. Theo một lời kể được ghi lại thì cách đây gần hai trăm năm, một ngư phủ quăng lưới đánh cá trên sông đã vớt được một pho tượng mà lúc ấy người ta cho rằng đó là tượng Bà Thủy Tề.
Từ đó, ngôi miếu thờ Bà được dân chúng trong vùng lập trên cù lao ở giữa sông để cầu cho mưa thuận gió hòa, thuyền bè đi về bình an.
Theo một giai thoại khác thì vào thế kỷ 18, một người đàn ông chài lưới trên đoạn sông này đã chài phải thi thể của một phụ nữ. Ông đem chôn cái xác lên cù lao và hương khói chu đáo. Kể từ đó, cuộc sống sông nước của ông khấm khá hơn.
Tiếng lành đồn xa, những ngư dân khác cũng theo nhau tới thắp hương, cầu phúc trước ngôi mộ vào mỗi đêm giăng lưới với hi vọng sẽ có nhiều tôm cá, thuyền ghe thuận lợi đi về.
Dần dà, không chỉ ngư dân mà những chủ ghe thuyền buôn bán qua sông Vàm Thuật cũng nán lại thắp hương, dâng lễ. Các bậc cao niên trong vùng bèn tập hợp con cháu, góp công của xây dựng ngôi miếu to hơn, đề phòng những lúc nước to, lũ lớn.
Dù vậy, vào thời điểm hiện tại, trên cù lao mà ngôi miếu tọa lạc không có nấm mộ nào cả. Theo thông tin do Ban quản lý miếu Phú Châu cung cấp, ngôi miếu được dựng từ thời vua Gia Long, khoảng đầu thế kỷ 19.
Trong thời kỳ này, sông Vàm Thuật là nơi qua lại thường xuyên của các loại tàu thuyền. Những nhà buôn người Hoa khi đi qua đây thường ghé nghỉ đêm lại trên cù lao bỏ hoang.
Du nhu cầu tâm linh, họ đã cùng với các bô lão sống trong vùng lập nên một cái miếu, để cầu mong thuận buồm xuôi gió, thượng lộ bình an.
Ban đầu, miếu Phù Châu chỉ là ngôi miếu nhỏ bằng tre và lá dừa. Theo thời gian, những nhà buôn ghé lại sửa sang mãi nên quy mô ngôi miếu ngày cảng mở rộng.
Sau năm 1975, hoạt động tín ngưỡng ở miếu không còn được duy trì, và nơi đây rơi vào cảnh hoang phế. Đến năm 1989, một doanh nhân người Việt gốc Hoa sống tại TP. HCM đã đứng ra bỏ tiền sửa sang, khôi phục lại hoạt động của miếu.
Đến nay, sau nhiều lần trùng tu, miếu Phù Châu đã trở thành một công trình kiến trúc đặc sắc với sự hòa trộn văn hóa Việt - Hoa, là một địa điểm tham quan, chiêm bái thu hút đông đảo khách thập phương ở TP. HCM.
Mời quý độc giả xem video: Nét đẹp làng gốm Phù Lãng | VTV4.
Quốc Lê