Giai thoại về hai cầu nổi 'Thị Kiều' trước chợ Bến Thành xưa
Năm 1970, người Sài Gòn bất ngờ khi thấy xuất hiện hai cây cầu thép trước chợ, dành cho khách đi bộ.
Có người cho rằng đó là sáng kiến của một dân biểu trong Hạ viện sau khi đi công cán, thực tế ở Nhật. Ông đề nghị làm hai chiếc cầu bắc qua công trường Quách Thị Trang để thuận tiện cho người dân đi bộ, khỏi phải đi theo hiệu của hai trụ đèn giao thông giữa đường, và cũng để an toàn cho bà con trước vô số luồng xe chạy tứ tung suốt ngày đêm trước chợ.
Khách bộ hành có lối đi riêng của mình là “văn minh và tiện lợi...” - vị này nêu ý kiến. Quốc hội Sài Gòn họp, thấy có vẻ hợp lý, duyệt xây “thí nghiệm” hai cây cầu bằng loại thép dùng đóng tàu.
Bùng binh này khá lớn, không thể một cây cầu vượt qua trên đầu tượng Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang được, thế thì làm hai cầu nổi (nay gọi là cầu vượt): cây cầu thứ nhất bắc ngang từ chợ Bến Thành qua bùng binh (tức công trường Diên Hồng), nơi có tượng Quách Thị Trang và tượng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa; cây cầu thứ hai bắc ngang từ trạm xe buýt đối diện chợ qua bùng binh.
Thoạt đầu, như hiện nay thôi, dân Sài Gòn kéo nhau lên cầu hóng mát, chụp hình “tự sướng”. Nhưng không lâu sau, ngắm mãi cũng chán, hai cây cầu chủ yếu phơi nắng phơi sương. Khách lên xuống năm bảy chục bậc thang cũng ngại. Hai cây cầu thành nơi tụ tập của dân xì ke, chích choác, vô gia cư… Cảnh sát Đô thành Sài Gòn lúc ấy than là không quản lý an ninh hai cây cầu này nổi.
Cùng đó là phản ứng của dư luận về tính thẩm mỹ, phá vỡ cảnh quan của hai cây cầu. Đó là chưa nói chuyện tranh cãi về “thuần phong mỹ tục” khi không hiếm quý ông, quý anh cứ ra đó để ngắm cầu, thực ra là ngắm… các cô mặc mini jupe đi trên cầu (!). Năm 1970 cũng là lúc thời trang mini jupe của các cô thịnh hành. Chính quyền cho hàn thêm tôn thiếc này nọ ở lan can cầu để tránh ánh mắt những người bên dưới nhìn lên.
Bỏ hay giữ cũng là một vấn đề bởi vì cả một đống tiền, công sức… đổ ra rồi. Có một chuyện kể về dự tính phá bỏ cầu của ông Đô trưởng Sài Gòn lúc đó: có người đặt tên cho hai cây cầu nổi (không có tên) này là Thị Kiều. [...].
Hai cây cầu thí nghiệm ấy đã chấm hết vào năm 1972 khi một trái mìn nổ ở cây cầu trước cửa chợ Bến Thành. Người gài mìn cũng chết ngay khi mìn nổ. Cả hai cây cầu đều bị tháo dỡ, trả lại thông thoáng cho khu bùng binh lẫn cảnh quan chợ Bến Thành.