Giải thưởng Chất lượng quốc gia: Khẳng định vị thế, uy tín doanh nghiệp Việt

Giải thưởng Chất lượng quốc gia có lịch sử 28 năm hình thành và phát triển, được Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu cho trí tuệ, công nghệ và sản phẩm Việt Nam.

Đặc biệt, giải thưởng là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp đánh giá toàn diện hiệu suất của hệ thống quản trị theo các chuẩn mực quốc tế.

Nhà máy và Trung tâm phân phối Nestlé Bông Sen tại Khu công nghiệp Thăng Long II (thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) áp dụng công nghệ, máy móc hiện đại, tự động hóa các quy trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển.

Nhà máy và Trung tâm phân phối Nestlé Bông Sen tại Khu công nghiệp Thăng Long II (thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) áp dụng công nghệ, máy móc hiện đại, tự động hóa các quy trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển.

Mang lại lợi ích thiết thực

Phó Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Hậu Ngọc cho biết, Giải thưởng Chất lượng quốc gia có quy trình đánh giá và xét thưởng chặt chẽ, thống nhất dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch và khách quan. Các doanh nghiệp đạt giải thưởng là những doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tại Việt Nam.

“Đến nay, đã có 2.163 lượt doanh nghiệp đạt giải thưởng. Điểm chung là các doanh nghiệp này đều áp dụng hiệu quả những hệ thống, công cụ quản lý, như: ISO 9001, ISO 14001, TQM, GMP, HACCP, 5S, Kaizen…”, ông Trần Hậu Ngọc thông tin.

Còn theo Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam Phùng Mạnh Trường, khi tham gia giải thưởng, cái lợi đầu tiên là doanh nghiệp tự soi chiếu, nhìn lại mình xem đang ở vị trí nào.

“Giải thưởng là công cụ để "thăm khám" định kỳ, doanh nghiệp sẽ biết được tình trạng sức khỏe của mình, từ đó đưa ra giải pháp củng cố hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Phùng Mạnh Trường chia sẻ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn và hỗ trợ trong việc cải tiến hệ thống quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động; đồng thời, nhận được các quyền lợi như: Ưu tiên vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia...

Thực tế trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp tham gia giải thưởng ngày càng tăng, điều này cho thấy những lợi ích, tác động hiệu quả tới sản xuất, kinh doanh. Bà Trần Thị Thao Giang - Quản lý quan hệ đối ngoại của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho biết, Nestlé Việt Nam rất vinh dự đã 2 lần được trao tặng Giải Vàng chất lượng quốc gia.

“Tham gia giải thưởng giúp công ty tiếp tục có điều kiện học hỏi, đánh giá và cải tiến một cách toàn diện các hoạt động quản lý, chất lượng sản phẩm, dịch vụ dựa trên các nhóm tiêu chí chính mà chương trình đưa ra. Song song đó, chúng tôi có cơ hội chia sẻ những bài học kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật, những chương trình và sáng kiến vì cộng đồng... được Nestlé đã và đang thực hiện”, bà Trần Thị Thao Giang chia sẻ.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong Chu Văn Phương cho hay, doanh nghiệp của ông tham gia giải thưởng từ 20 năm nay và đã 4 lần vinh dự nhận Giải Vàng chất lượng quốc gia. Việc tham gia giải thưởng giúp doanh nghiệp có điều kiện học hỏi, đánh giá và cải tiến toàn diện các hoạt động quản lý, chất lượng sản phẩm. Từ đó nâng cao năng suất lao động, sản xuất theo hướng tinh gọn, tối ưu hóa sản xuất, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững.

“Tôi tin tưởng Giải thưởng Chất lượng quốc gia tiếp tục là điểm tựa uy tín của các doanh nghiệp để không ngừng hoàn thiện, chuyên nghiệp hóa trong cách vận hành, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu, chung tay kiến tạo cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần vào sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà”, ông Chu Văn Phương bày tỏ.

Cập nhật tri thức, thị trường mới

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng quốc gia, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam Phùng Mạnh Trường cho biết, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về quản trị, thiếu đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là yếu tố nguồn lực. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu và khả năng tiếp cận thị trường hạn chế… Cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn bất cập, đôi khi mang tính ngắn hạn cũng là điểm khó cho doanh nghiệp.

“Bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi phương pháp, cách thức quản trị doanh nghiệp rất khác so với trước. Chủ doanh nghiệp phải biết ngoại ngữ, có khả năng sử dụng thành thạo và hiệu quả mạng internet vào công tác giao dịch và quản trị. Do đó, mỗi chủ doanh nghiệp phải tự học tập vươn lên để cập nhật những tri thức mới, năng động, sáng tạo tìm kiếm phương pháp mới, cách làm việc mới, thị trường mới”, ông Phùng Mạnh Trường nhấn mạnh.

Để Giải thưởng Chất lượng quốc gia đóng góp nhiều hơn nữa cho phong trào tăng năng suất, chất lượng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định mong muốn Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia - Cơ quan thường trực của giải thưởng định hướng cho các doanh nghiệp tiếp cận giải thưởng như là một công cụ quan trọng nhằm đánh giá toàn diện hiệu suất của hệ thống quản trị theo các chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, chia sẻ những cách làm hay của các doanh nghiệp được vinh danh, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm và thành công để cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển.

Được tổ chức vào ngày mai, 18-12, tại Nhà hát Quân đội (Hà Nội), Giải thưởng Chất lượng quốc gia và Giải thưởng Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương năm 2021-2023 sẽ vinh danh 133 tổ chức, doanh nghiệp.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giai-thuong-chat-luong-quoc-gia-khang-dinh-vi-the-uy-tin-doanh-nghiep-viet-687613.html