Giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm
Trong Phiên giải trình tại Kỳ họp thứ 7 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa X, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề 'nóng' còn bức xúc trong nhân dân. Trong đó, vấn đề tuyển sinh, việc khai thác các trụ sở cũ của các cơ quan tỉnh sau khi di dời về Trung tâm Hành chính công thu hút sự quan tâm của đại biểu và cử tri.
VÌ SAO CHỈ TIÊU TUYỂN SINH CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP CHƯA ĐẠT?
Tại Phiên giải trình, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, bên cạnh nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, thì vẫn còn một vài chỉ tiêu chưa đạt như chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, trung cấp, dạy nghề dưới 3 tháng. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh giải trình nguyên nhân và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới, khả năng đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lý Văn Cẩm cho biết, từ năm 2018 đến năm 2020, tuyển sinh trình độ trung cấp và trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đều đạt và vượt chỉ tiêu; riêng trình độ cao đẳng chỉ đạt 80% - 89% chỉ tiêu. Do quy định tuyển sinh đại học quá mở, đặc biệt là việc xét kết quả học bạ và không có điểm sàn, càng làm cho công tác tuyển sinh cao đẳng năm nay gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, năm 2021 và năm 2022, tuyển sinh các trình độ đều không đạt chỉ tiêu. Đối với đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, những tháng đầu năm 2022, do lo sợ dịch bệnh, người lao động ngại đi học, đến tháng 5-2022 bắt đầu tuyển sinh nhiều hơn.
Đồng chí Lý Văn Cẩm cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo, hiện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã cập nhật chuẩn đầu ra theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ LĐ-TB&XH ban hành và tổ chức đào tạo theo chuẩn, có tăng cường đào tạo ngoại ngữ. Các trường quan tâm cập nhật chương trình đào tạo theo yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp, người học đang làm việc tại doanh nghiệp. Sở LĐ-TB&XH, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh và tranh thủ nguồn vốn Trung ương để tiếp tục đầu tư trang thiết bị dạy học, dạy nghề, đặc biệt là theo danh mục thiết bị đào tạo từng nghề do Bộ LĐ-TB&XH ban hành và phù hợp với yêu cầu về công nghệ của các doanh nghiệp.
Trong 2 ngày làm việc tiếp theo (ngày 9 và 10-12) của Kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, UBND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh trình các báo cáo, tờ trình kèm theo dự thảo nghị quyết; các Tổ đại biểu HĐND tỉnh thảo luận các nội dung trình ra kỳ họp; giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra; thông qua 24 nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Phát biểu bế mạc kỳ họp vào chiều ngày 10-12, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các đại biểu trong những ngày qua, nhất là các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu và cử tri đã đặt ra, đề ra những giải pháp, biện pháp tốt nhất, cụ thể nhất để giải quyết những yêu cầu của tỉnh đặt ra; nhiều vấn đề bức xúc mà cử tri đang quan tâm đã được phân tích làm rõ.
Kỳ họp thứ 7 đã thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết rất quan trọng. Đồng chí Võ Văn Bình cũng đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đề nghị đại biểu HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện để các nghị quyết của HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống.
Liên quan đến khả năng đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội và doanh nghiệp trong tỉnh, đồng chí Lý Văn Cẩm cho biết, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, số học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh chiếm khoảng 55%, số còn lại làm việc ngoài tỉnh. Học sinh, sinh viên làm việc ngoài tỉnh là nguồn lao động dự trữ của tỉnh, khả năng các em sẽ quay trở về tỉnh làm việc khi các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Do đó, thời gian qua thống kê có đến 85% người học có việc làm theo nghề đã học.
Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang, hằng năm các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển khoảng 15.000 - 20.000 lao động; trong đó lao động có nghề, chuyên môn khoảng 12% - 15%. Sở LĐ-TB&XH đánh giá: Trong tổng số lao động có nghề, chuyên môn được các doanh nghiệp tuyển dụng, khoảng 80% là học sinh, sinh viên do các trường trong tỉnh đào tạo, 20% còn lại là học sinh, sinh viên đào tạo ngoài tỉnh. Hiện tại, theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, Sở đang xây dựng phần mềm, các công cụ thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, làm cơ sở để dự báo nhu cầu nhân lực trung và dài hạn trong thời gian tới.
VỀ TRỤ SỞ CŨ CỦA CÁC SỞ, NGÀNH TỈNH
Giải trình ý kiến của đại biểu về trụ sở cũ của các cơ quan tỉnh sau khi di dời về Trung tâm Hành chính công đang bỏ trống, không sử dụng thời gian dài nên nhiều hạng mục bị xuống cấp, gây lãng phí, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Hà Thiện Ý cho biết, hiện một số trụ sở của các cơ quan dời về Trung tâm Hành chính công tỉnh đã được khai thác sử dụng gồm: Trụ sở Sở LĐ-TB&XH bố trí cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh sử dụng làm trụ sở làm việc; trụ sở Sở Y tế giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm khu cách ly phòng, chống Covid-19; trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo tạm giao cho Thành ủy Mỹ Tho làm nơi làm việc trong thời gian xây dựng trụ sở mới; trụ sở Sở Nội vụ giao cho Văn phòng UBND tỉnh sử dụng làm văn phòng làm việc; trụ sở Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đang sử dụng một phần làm trụ sở làm việc. Các trụ sở đang để trống gồm: Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ.
Nhằm nâng cao hơn nữa việc quản lý, sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí các tài sản công là đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh, ngày 2-8-2019 UBND tỉnh ban hành Quyết định 2456 về việc thành lập Tổ công tác thu hồi tài sản công trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nhằm rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý tài sản nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sai mục đích của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngày 27-3-2020, UBND tỉnh có Công văn 1291 báo cáo xin chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đề xuất tài sản thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh; trong đó, có trụ sở cũ của các sở, ngành đã di dời về Trung tâm Hành chính công của tỉnh và các trụ sở, nhà ở khác không còn nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sai mục đích và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất.
Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tổ công tác thu hồi tài sản công đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 137 ngày 29-5-2020 về việc xử lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với 30 tài sản là trụ sở làm việc, nhà ở cũ và đất công trên địa bàn tỉnh; trong đó, có các trụ sở cũ của các sở, ngành đã dời về Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trụ sở làm việc 8 sở, ngành tỉnh.
Ngày 12-11-2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 332 điều chỉnh Kế hoạch 137 ngày 29-5-2020 về việc xử lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh; trong đó, điều chỉnh tiến độ và danh mục tài sản xử lý gồm 32 tài sản.
Nhằm đảm bảo các trụ sở đang để trống được bảo quản, UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng thuê dịch vụ bảo vệ các trụ sở này từ năm 2019 đến nay. Kế hoạch sử dụng các trụ sở cũ trong thời gian tới, dự kiến bố trí làm trụ sở làm việc các trụ sở gồm: Trụ sở Sở Khoa học và Công nghệ giao cho Phòng Công chứng số 1 thuộc Sở Tư pháp thuê làm trụ sở làm việc; trụ sở Sở Tư pháp giao cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp làm trụ sở làm việc; trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo tạm giao cho Thành ủy Mỹ Tho làm trụ sở làm việc, sẽ bàn giao lại trong quý I-2023 và sau đó sẽ bán đấu giá theo kế hoạch; trụ sở Sở Y tế giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm khu cách ly phòng, chống Covid-19. Một số trụ sở khác đấu giá bán tài sản để thực hiện dự án…