Giải việt dã Báo Thanh Hóa: Khẳng định chất lượng - nâng tầm vị thế
Để có cái nhìn toàn diện hơn về vai trò, ý nghĩa của Giải việt dã Báo Thanh Hóa đối với sự phát triển phong trào thể dục thể thao (TDTT) toàn tỉnh, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Tự, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức Giải việt dã Báo Thanh Hóa lần thứ XXV – Chạy vì sức khỏe cộng đồng năm 2021.
Với bề dày 25 năm ra đời và phát triển, vượt qua nhiều thời điểm khó khăn để duy trì phong trào và tổ chức giải; đến nay, Giải việt dã Báo Thanh Hóa là một trong những giải đấu quan trọng, từng bước khẳng định được chất lượng và nâng cao vị thế của một giải đấu đang hướng tới chuyên nghiệp.
PV: Xin ông cho biết, từ khi ra đời đến nay, Giải việt dã Báo Thanh Hóa đã có bước phát triển và đóng góp ra sao đối với sự phát triển phong trào TDTT tỉnh Thanh Hóa?
Ông Nguyễn Duy Tự: Trải qua 25 năm ra đời và phát triển, đến nay, Giải việt dã Báo Thanh Hóa đã trở thành giải đấu truyền thống, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển. Các địa phương đã tích cực, trách nhiệm trong việc tổ chức giải từ cấp xã, thị trấn và cấp huyện. Việc duy trì giải đấu hàng năm tại cấp cơ sở là một nhân tố tích cực, thu hút hàng nghìn người tham gia tập luyện, tranh tài, góp phần duy trì và phát triển phong trào TDTT trên địa bàn.
Đặc biệt, Giải việt dã Báo Thanh Hóa được xem là cái nôi ươm mầm tài năng cho thể thao thành tích cao tỉnh Thanh Hóa. Bởi từ đây, nhiều VĐV xuất sắc đã được phát hiện, đào tạo và có đóng góp quan trọng để làm dày bảng vàng thành tích của thể thao Thanh Hóa nói riêng, đất nước nói chung. Có thể kể ra đây những gương mặt nổi bật như Lưu Văn Hùng, Trần Văn Sỹ, Nguyễn Thị Phương, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Lê Trọng Hinh… với nhiều thành tích nổi bật ở cả đấu trường quốc gia và quốc tế trong hơn 2 thập kỷ qua.
Các VĐV Quách Công Lịch và Quách Thị Lan là những gương mặt tiêu biểu của điền kinh Thanh Hóa hiện nay
Có thể nói, với sức lan tỏa và chất lượng ngày càng được khẳng định, Giải việt dã Báo Thanh Hóa đang đóng vai trò quan trọng như là một điểm tựa thúc đẩy phong trào TDTT trong tỉnh. Đồng thời, góp phần giữ vững vị thế của điền kinh – một trong những bộ môn thế mạnh hay “mỏ vàng” của thể thao Thanh Hóa.
PV: Giải việt dã Báo Thanh Hóa lần thứ XXV trở lại sau 1 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19. Việc tổ chức giải cho thấy sự nỗ lực vượt khó và tinh thần trách nhiệm của ngành chức năng cũng như các đơn vị có liên quan. Vậy, xin ông cho biết, giải đấu năm nay có những điểm mới nổi bật nào đáng chú ý?
Ông Nguyễn Duy Tự: Như đã đề cập, năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19 khiến Giải việt dã Báo Thanh Hóa không thể tổ chức như thường lệ. Để duy trì giải cũng đồng thời là “nối lại” đà phát triển của phong trào việt dã toàn tỉnh, năm 2021, giải đấu được tổ chức dựa trên điều lệ và thể thức truyền thống; đồng thời, có những điểm mới để tăng tính hấp dẫn.
Nông Cống là đơn vị có số VĐV tham gia Giải việt dã cấp huyện đông nhất trong tỉnh
Cụ thể, các cự ly chạy 3.000 nữ và 5.000m nam vẫn là hai nội dung “cứng” của giải; song, cách thức tổ chức được chú trọng và chất lượng được Ban tổ chức đặt lên hàng đầu. Theo đó, việc sàng lọc, kiểm tra tư cách tham gia giải của các VĐV được quan tâm, nhằm tránh tình trạng “thuê mướn” VĐV. Bên cạnh đó, công tác trọng tài sẽ được tiến hành theo hướng chuyên nghiệp hóa. Ngoài việc thực hiện bấm giờ như trước đây, Ban tổ chức còn sẵn sàng phương án bố trí camera đặt tại vạch đích để xác định chính xác thành tích của các VĐV.
Các VĐV tranh tài tại giải việt dã TP Thanh Hóa năm 2021
Một điều đáng nói nữa là, dù Giải việt dã Báo Thanh Hóa năm 2021 chưa tính vào nội dung thi đấu của Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ IX; song nhiều huyện, thị xã, thành phố đã nỗ lực tổ chức giải việt dã cấp cơ sở khá thành công. Từ đó, có sự chuẩn bị tốt về số lượng, chất lượng VĐV tham gia giải việt dã cấp tỉnh, với mục tiêu giành thành tích cao. Với các đơn vị không thể tổ chức giải việt dã cấp cơ sở, việc tuyển chọn VĐV tham gia cũng đã được thực hiện từ đầu năm 2021, để có phương pháp huấn luyện phù hợp, hiệu quả. Với tinh thần và trách nhiệm từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, tin tưởng rằng, Giải việt dã Báo Thanh Hóa lần thứ XXV sẽ thành công và là bước “chạy đà” quan trọng hướng đến những mục tiêu cao hơn trong năm 2022.
PV: Như ông đã trao đổi, để tổ chức thành công giải đấu này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vậy ông đánh giá như thế nào về tinh thần trách nhiệm và sự tham gia của các đơn vị, các nhà đồng hành đối với giải năm nay?
Ông Nguyễn Duy Tự: Trước hết, cần khẳng định rằng, để duy trì và phát triển Giải việt dã Báo Thanh Hóa suốt 25 năm qua cần sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm rất cao của 3 đơn vị là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Thanh Hóa và Đoàn TNCS HCM. Riêng năm nay, để có thể tổ chức giải trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức cả chủ quan lẫn khách quan, càng đòi hỏi các đơn vị phải nỗ lực cao hơn.
Cùng với trách nhiệm của các đơn vị liên quan, thì vai trò của các nhà đồng hành là đặc biệt quan trọng. Năm nay, Giải việt dã Báo Thanh Hóa có sự đồng hành rất tích cực 5 đơn vị là Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Bỉm Sơn; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chi nhánh Thanh Hóa; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Chi nhánh Thanh Hóa; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa; Công ty Cổ phần Bất động sản Saco. Đây là nguồn lực quan trọng cho việc tổ chức giải; đồng thời cho thấy sức lan tỏa của Giải việt dã Báo Thanh Hóa đã thu hút được sự quan tâm và đồng hành của các đơn vị.
Ngoài ra, với mục tiêu đưa giải về cơ sở, giải đấu năm nay được tổ chức tại huyện Đông Sơn. Đây cũng là một trong những đơn vị mạnh về phong trào việt dã và giành được thành tích cao tại Giải việt dã Báo Thanh Hóa. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị đã tích cực phối hợp địa phương trong công tác tổ chức, như chọn địa điểm, đánh giá chất lượng đường chạy tại xã Đông Tiến, bố trí nơi lưu trú cho các đoàn VĐV, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm... bảo đảm các yêu cầu về thời gian, chất lượng và hiệu quả.
PV: Vai trò, vị thế của Giải việt dã Báo Thanh Hóa đã từng bước được khẳng định. Vậy trong định hướng phát triển thời gian tới, giải đấu này liệu có được mở rộng về quy mô, nội dung thi đấu và đối tượng tham gia hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Tự: Giải việt dã Báo Thanh Hóa lần thứ XXV là sự kiện khởi đầu, đánh dấu bước phát triển mới của cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, thành công của giải năm nay sẽ là tiền đề quan trọng cho việc tổ chức Giải việt dã Báo Thanh Hóa lần thứ XXVI năm 2022 – giải đấu nằm trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ IX. Với ý nghĩa đó, việc nâng cao chất lượng giải đấu là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.
Đồng thời, việc bổ sung thêm nội dung thi đấu nâng cao, hay mở rộng đối tượng tham gia là các VĐV đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước… cũng là những phương án cần được tính toán đến. Đây cũng là giải pháp nhằm tiếp tục khẳng định uy tín, sức hấp dẫn và góp phần đưa Giải việt dã Báo Thanh Hóa phát triển lên tầm cao mới. Tuy vậy, để làm được điều này thì công tác tổ chức giải cần hướng đến chuyên nghiệp hóa và việc huy động các nguồn lực để duy trì, tổ chức giải cần được quan tâm hơn nữa.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!