Giảm 300 đồng, cà phê sắp lùi về mốc 64.000 đồng/kg?
Giá cà phê hôm nay (7/10) trong khoảng 63.700 - 64.300 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với ngày hôm qua. Cà phê đang có một tuần giao dịch ảm đạm do tâm lý chờ nguồn hàng vụ mới dồi dào hơn.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 63.700 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 64.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 64.100 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 64.300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 64.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 64.100 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 64.000 đồng/kg. Còn cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 64.000 đồng/kg.
Không chỉ giảm trong hôm nay mà cà phê đang có một tuần giao dịch ảm đạm so với cùng thời điểm hôm qua. Nguyên nhân là hiện giao dịch thưa thớt với mong muốn đợi vào chính vụ, nguồn cung dồi dào doanh nghiệp mới đẩy mạnh thu mua. Nếu ngày mai tiếp tục giảm, giá cà phê sẽ về mốc 64.000 đồng/kg hoặc mất mốc 64.000 đồng/kg.
Hiện một vài vùng trồng cà phê trong nước đã bắt đầu thu hoạch cà phê niên vụ 2023/2024. Theo các chuyên gia, giá cà phê nội địa năm nay tăng cao, có thời điểm lên mức cao nhất 30 năm, vượt mốc 68.000 đồng/kg. Đến nay, giá loại nông sản này bắt đầu giảm nhưng vẫn duy trì ở vùng giá tốt, điều này sẽ tạo tâm lý tích cực đối với người nông dân trồng cà phê, giúp gia tăng tỷ lệ tái canh.
Ngày 10/10 tới đây, Tổng cục Hải quan sẽ công bố dữ liệu xuất khẩu cà phê tháng 9 của Việt Nam. Đây là báo cáo xuất khẩu tháng cuối cùng của niên vụ 2022/23 và dữ liệu trong báo cáo sẽ phần nào phản ánh tình hình nguồn cung tại nước ta.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần phải suy nghĩ lại về cách định giá cà phê để đảm bảo tương lai của ngành. Nếu không, nông dân, HTX sẽ không có đủ nguồn tài chính để tiếp tục trồng trọt trong bối cảnh thay đổi khí hậu như hiện nay.
Đặc biệt, việc giá cà phê đang ở mức cao lịch sử rất có thể xảy ra tình trạng nông dân phá rừng hoặc các loại cây trồng khác để trồng cà phê. Đây là điều không thuận lợi, đặc biệt là trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ cuối năm 2024. Trong khi EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê quan trọng của Việt Nam.
Do đó, muốn xuất khẩu cà phê sang thị trường EU buộc phải thay đổi tư duy canh tác, hướng đến sản xuất bền vững, có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Trên thị trường thế giới, biến đổi khí hậu cũng đang gây ra mối đe dọa lớn cho ngành kinh doanh cà phê và người nông dân. Các hãng cà phê ở Mỹ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời tiết khắc nghiệt khiến không chỉ giá cà phê đắt hơn mà còn khiến hương vị cũng kém đi.
Cà phê ở Mỹ vẫn là đồ uống có mức độ tiêu thụ lớn thứ 2 chỉ sau nước uống. Ước tính người Mỹ tiêu thụ khoảng 400 triệu ly cà phê mỗi ngày. Mỹ hiện vẫn là thị trường cà phê lớn nhất thế giới.