Giảm áp lực cho thợ điện mùa nắng nóng

Với người thợ điện, mùa hè là thời điểm chịu nhiều áp lực nhất trong năm. Ngoài việc thời tiết nóng nực thì cũng là lúc các thiết bị điện trong mỗi gia đình hay bị 'hắt hơi sổ mỗi' nhất, do mùa hè nhu cầu dùng điện tăng cao để làm mát.

Thế nên, người thợ điện đã phải có những đêm thức trắng để tham gia cuộc chiến đảm bảo điện, cho người dân ngon giấc. Vì vậy, giải pháp giảm áp lực cho người thợ điện mùa nắng nóng lúc này chính là công nghệ.

Trách nhiệm và nhiệt huyết

EVN HANOI dùng công nghệ Hotline để sửa chữa, vệ sinh lưới điện đang mang tải.

EVN HANOI dùng công nghệ Hotline để sửa chữa, vệ sinh lưới điện đang mang tải.

Vừa ngồi vào mâm cơm tại bếp ăn tập thể của cơ quan thì chuông điện thoại reo, báo sự cố điện, anh Long (Điện lực quận Thanh Xuân) bật dậy xách ba lô lên xe máy phóng về phía cuối đường và lúc này đã gần 21 giờ.

Nhiệt độ ngoài trời lúc này khoảng gần 40 độ C thì nhiệt độ trong trạm biến áp lên tới hơn 50 độ C, các anh công nhân điện lực thực hiện những thao tác kỹ thuật đòi hỏi tính chính xác cực kỳ tuyệt đối. Trong môi trường nhiệt độ khắc nghiệt, những giọt mồ hôi trên áo ướt đẫm và lăn trên má cũng không làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc của các anh công nhân áo cam.

Do ảnh hưởng của nhiệt độ thời tiết nắng nóng cực đoan nên từ đầu tháng 6, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện liên tiếp những đợt nắng nóng kéo dài.

Trong khi đó, tại Hà Nội có nhiều tòa nhà cửa kính, mật độ phương tiện dày đặc càng làm cho nền nhiệt gia tăng. Kéo theo đó, nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân và cơ quan tổ chức tăng cao kỷ lục. Nhiều cơ quan, nhà dân, sử dụng thiết bị làm mát 24/24 giờ trong ngày. Vì đó, sự cố điện càng có nguy cơ xảy ra nhiều hơn. Thường thì nhảy aptomat, chập cháy đường dây dẫn sau công tơ, quá tải trạm biến áp…

Không chỉ lo xử lý những sự cố nhỏ của điện sinh hoạt. Người thợ điện Thủ đô còn phải lo, “canh gác” trắng đêm tại các đường dây cao thế, lộ tuyến quan trọng, cấp điện cho cả một khu vực. Vì khác với hạ thế, chỉ cấp điện cho một khu dân cư thì cao thế có thể cấp điện cho một hoặc nhiều quận trên địa bàn thành phố. Mỗi khi có sự cố xảy ra, các anh công nhân điện “cao thế” phải trèo lên đường dây điện cách mặt đất vài chục mét để sửa chữa. Cái nắng nóng, nguy hiểm rình rập là áp lực không hề nhỏ đối với nghề sửa điện cao thế.

Bật mí về công việc đặc thù của mình, anh Nguyễn Tùng Linh, đội đường dây, Công ty Lưới điện Cao thế Hà Nội chia sẻ, nhiều đêm mưa bão sấm chớp, sét đánh vào đường dây, vừa tan ca đi làm về nhà, nhận được tin báo thời tiết gây ảnh hưởng tới đường dây, lại xách đồ và mặc áo mưa đi đến nơi có vấn đề do thời tiết gây ra để kiểm tra, xử lý sự cố kịp thời.

Người thợ điện trẻ cho biết thêm, đường dây cao thế trên địa bàn Hà Nội phủ khắp trên diện rộng, phía Nam tới tỉnh Hà Nam, phía Tây lên đến Ba Vì, phía Bắc phủ đến Sóc Sơn còn hướng Đông vươn ra hết Phố Nối tỉnh Hưng Yên. Từ ngày địa bàn Hà Nội mở rộng, lưới điện phát triển về quy mô và diện tích nên anh em đi làm vất vả hơn.

“Thử tưởng tượng những ngày thời tiết ở Hà Nội ngoài trời khoảng hơn 45 độ C, chúng tôi phải trèo lên đường dây để sửa chữa sự cố thì áp lực như thế nào. Nếu không có sức khỏe tốt và lòng say mê nghề, khó có thể hoàn thành được công việc” anh Nguyễn Tùng Linh, trải lòng về công việc đặc thù của mình.

Ứng dụng công nghệ

Trung tâm điều hành lưới điện trung áp thông minh - Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm - EVN HANOI.

Trung tâm điều hành lưới điện trung áp thông minh - Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm - EVN HANOI.

Trong những năm gần đây, EVN HANOI đã đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa trong kinh doanh, vận hành, đảm bảo khách hàng sử dụng điện dễ tiếp cận, dễ tham gia, dễ giám sát. Đồng thời, tăng độ chính xác và minh bạch thông tin.

Theo EVN HANOI, đơn vị đã lắp đặt được 92% công tơ điện tử và 76% công tơ đo xa, góp phần minh bạch việc ghi đo chỉ số công tơ hằng tháng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành điện. Cùng với đó, EVN HANOI cho lắp đặt nhiều trạm biến áp với công nghệ hiện đại, không cần người trực nhưng vẫn đảm bảo an toàn cấp điện; đưa công nghệ đấu nối, sửa chữa, vệ sinh trên đường dây đang mang điện, không cần cắt điện, không gây gián đoạn quá trình sản xuất, sinh hoạt của người dân; thực hiện cấp điện mới cho khách hàng theo phương thức điện tử thay bằng hồ sơ giấy trước đây…

Tại Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm, các công việc điều hành lưới điện đã được thực hiện tự động qua mạng internet. Không như trước đây, mỗi lần muốn đóng, cắt điều chỉnh lưới điện trung áp, nhân viên công ty phải phóng xe máy đến tận nơi mất khoảng từ 20 - 50 phút, sau đó mới có thể thực hiện nghiệp vụ. Còn nay, chỉ cần một vài thao tác nhấn chuột là đã điều hành được đóng cắt điện cho cả một khu vực.

Ông Khúc Triệu Quang, Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm cho biết, bên cạnh điều hành lưới điện thông minh, công ty còn đi đầu ứng dụng công nghệ trong ghi chỉ số công tơ và phát hành hóa đơn điện tử. Hiện trên địa bàn quận này tất cả các khách hàng được lắp công tơ điện tử, tự động cập nhật số liệu đưa về máy chủ.

Sau đó, nhờ công nghệ phân tích và đưa ra kết quả hóa đơn của từng khách hàng. Công ty Điện lực quận đặt hệ thống cảnh báo tự động đối với những khách hàng có chỉ số trên 30%. Cán bộ ngành điện sẽ rà soát thủ công đối chiếu với thực tế sử dụng của khách hàng, khi thấy không có gì bất thường sẽ phát hành hóa đơn, nhằm đảm bảo khi đến tay khách hàng sẽ hạn chế thấp nhất xảy ra sai sót.

“Lợi ích của ghi chỉ số công tơ điện tử là khó có thể tác động vào quá trình làm việc của máy móc. Trong trường hợp có tác động vào công tơ sẽ lưu vết và có thể trích xuất ra tra cứu một cách dễ dàng nếu khách hàng có thắc mắc”, ông Khúc Triệu Quang chia sẻ.

Cũng như Bắc Từ Liêm nhiều công ty điện lực trực thuộc EVN HANOI trong những năm qua đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, vận hành và kinh doanh điện.

Ông Nguyễn Danh Duyên, Tổng Giám đốc EVN HANOI khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng tất yếu của xã hội phát triển, nhằm minh bạch, chính xác hơn, tiện lợi hơn đối với khách hàng sử dụng điện.

“Nếu như trước đây, người dân Thủ đô vẫn nhìn thấy hình ảnh người công nhân điện vác thang trèo lên từng cột điện để ghi thủ công chỉ số công tơ thì nay hình ảnh đó đã cơ bản không còn. Thay vào đó là việc ghi chỉ số số công tơ từ xa bằng công nghệ. Hoặc việc nộp tiền điện, không còn cảnh người dân xếp hàng dài ngày cuối tháng chờ đến lượt như trước đây. Vì hiện nay người dân có thể thanh toán tiền điện 24/7, với tất cả thời gian trong ngày thông qua việc thu hộ của các ngân hàng, không sợ quá hạn thanh toán tiền điện tại điểm thu như trước đây”, Tổng Giám đốc EVN HANOI minh chứng.

Một chuyên gia trong lĩnh vực điện nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ làm minh bạch, tiện lợi hơn mà còn giúp giảm sức lao động trực tiếp của người công nhân trong quá trình thực hiện công việc của mình. Đơn cử, tới đây EVN HANOI thực hiện hạ ngầm đường dây, sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm hành lang, ít cháy nổ dân dẫn, như vậy người thợ điện đỡ vất vả hơn trong những ngày nắng nóng.

Trong phương hướng nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội Đảng lần thứ III, EVN HANOI đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới, ngành điện Thủ đô sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo cung cấp điện với mức tăng trưởng dự kiến bình quân 8%/năm (tương ứng sản lượng điện thương phẩm năm 2025 dự kiến đạt khoảng 30,7 tỷ kWh).Tỷ lệ tổn thất điện năng đến năm 2025 phấn đấu dưới 3,55%.

Đáng chú ý, đến năm 2025 EVN HANOI sẽ điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện, đồng thời nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm suất sự cố lưới điện còn dưới 50 phút.

Cũng theo vị chuyên gia trên, để hiện thực hóa các mục tiêu trên, EVN HANOI cần thiết phải có những bước đi đón đầu xu hướng công nghệ của khu vực và thế giới. Từ đó, ứng dụng công nghệ thích hợp, giảm được áp lực cho người lao động trực tiếp, cũng như minh bạch mọi thông tin đến kinh doanh, vận hành lưới điện.

Bài và ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/giam-ap-luc-cho-tho-dien-mua-nang-nong-20200710114019973.htm