Giảm áp lực học tập cho học sinh

Với lượng kiến thức, bài tập lớn, không ít học sinh rơi vào tình trạng bị căng thẳng, dễ bị kích động, dẫn đến những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Để phòng ngừa và ngăn chặn những sự việc xảy ra do áp lực trong học tập, ngành giáo dục đã quan tâm, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cũng như hoạt động ngoại khóa giúp học sinh giảm bớt căng thẳng, có tinh thần thoải mái mỗi khi đến trường.

Tham dự tiết học Tiếng Anh cùng học sinh lớp 3A của Trường Tiểu học Phù Ninh, huyện Phù Ninh, không khí lớp học diễn ra sôi nổi. Ngay khi bước vào tiết học, cả cô và trò có những chào hỏi thân thiện, thể hiện sự gần gũi, yêu thương. Điều đặc biệt là khác với phương pháp trước đây, giáo viên kiểm tra bài cũ, sau đó dạy kiến thức mới và giao bài tập về nhà, thì nay, giáo viên chủ động gợi ý đề tài cho học sinh tự khám phá, tìm hiểu. Việc học từ mới và tiếp thu kiến thức sẽ được học bằng cách hát, nhảy theo các bài hát.

Học sinh nhà trường nói không với bài tập về nhà và các lớp học thêm. Toàn bộ kiến thức theo chương trình của Bộ GD&ĐT và kiến thức nâng cao đều được giáo viên truyền tải trong các tiết học tại lớp, khuyến khích ý thức tự học. Khi đến trường, đến lớp, học sinh hoàn toàn cảm thấy vui vẻ, thoải mái, không sợ hãi, lo lắng, từ đó, tiếp thu, lĩnh hội kiến thức hiệu quả hơn.

Tiết Tiếng Anh của học sinh lớp 3G, Trường Tiểu học Phù Ninh học sinh được học bằng cách hát, nhảy theo các bài hát.

Tiết Tiếng Anh của học sinh lớp 3G, Trường Tiểu học Phù Ninh học sinh được học bằng cách hát, nhảy theo các bài hát.

Thầy giáo Hà Trung Thành - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường hiện có 26 lớp với 312 học sinh. Nhà trường đang tiến hành xây dựng “lớp học hạnh phúc” ở các khối lớp tiến tới xây dựng mô hình “trường học hạnh phúc”. Vào các đợt tập huấn của Sở, Bộ GD&ĐT về xây dựng “trường học hạnh phúc”, nhà trường cử giáo viên, cán bộ quản lý tham gia và được áp dụng luôn vào quá trình dạy và học”.

Không chỉ đối với học sinh tiểu học, việc giải tỏa áp lực tâm lý cho học sinh bậc THCS và THPT đang được các nhà trường quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, đây là lứa tuổi tâm sinh lý chưa hoàn thiện, từ những áp lực trong học tập, nhiều em rơi vào trầm cảm, dễ bị kích động và có hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến việc học tập rèn luyện và hòa nhập cuộc sống.

Học sinh trường Tiểu học Phù Ninh được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, rèn luyện thể chất.

Học sinh trường Tiểu học Phù Ninh được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, rèn luyện thể chất.

Vì vậy, công tác tư vấn tâm lý học đường được Trường THCS Phú Nham, huyện Phù Ninh quan tâm chú trọng trong nhiều năm qua. Tổ Tư vấn tâm lý học đường của trường gồm các thành viên: Đại diện Ban Giám hiệu, thầy cô chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có năng lực tư vấn và đại diện phụ huynh nhà trường. Cô Nguyễn Thị Tuyết - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Quan điểm của trường là không chờ đến khi có vấn đề mới tìm cách giải quyết mà phải phát hiện được vấn đề khi còn tiềm ẩn, ngăn chặn kịp thời tình huống xấu phát sinh. Thầy cô không chỉ là “người lái đò” mà còn là những “kỹ sư tâm hồn”, là điểm tựa gần gũi để các em học sinh được lớn lên, trưởng thành. Đối với những học sinh chưa ngoan chúng tôi chủ động yêu cầu các em đến gặp tổ tư vấn để uốn nắn tư tưởng các em kịp thời. Cũng nhờ áp dụng cách này mà nhiều học sinh chưa ngoan ở trường đã thay đổi nhận thức, ngày càng chăm ngoan hơn, tỉ lệ học sinh đạt hạnh kiểm Khá, Tốt duy trì trên 90%. Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên tham mưu với Đoàn trường tổ chức các sân chơi ngoại khóa bổ ích giúp các em mạnh dạn, tự tin, gắn kết tình bạn, từ đó tạo động lực giúp các em hăng say học tập”.

Tại trường THCS Phú Nham, học sinh thoải mái trao đổi, chia sẻ và phát biểu ý kiến.

Tại trường THCS Phú Nham, học sinh thoải mái trao đổi, chia sẻ và phát biểu ý kiến.

Vừa qua, Sở GDĐT ban hành văn bản 1021/SGD&ĐT-TTr về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm. Theo đó, từ năm học 2023-2024, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học. Đây là một trong những giải pháp quan trọng của ngành Giáo dục tỉnh trong việc giảm tải áp lực học tập cho học sinh.

Có thể thấy, việc giảm áp lực học tập cho học sinh là việc làm cấp thiết của ngành Giáo dục, giúp các em có một tinh thần và thể chất khỏe mạnh, hứng thú với việc học tập và để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/giam-ap-luc-hoc-tap-cho-hoc-sinh/204525.htm