Giảm áp lực trong tuyển sinh đầu cấp

Tăng tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập; đơn giản hóa hồ sơ đăng ký vào các lớp đầu cấp; việc đăng ký tuyển sinh thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến, thông tin học sinh được trích xuất từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục thành phố, kết hợp xác định qua VneID bằng mã định danh của học sinh... là những điểm mới, giúp giảm áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp đối với cả học sinh, nhà trường ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Các thí sinh kiểm tra, rà soát lại tên và số báo danh dự thi tại điểm thi trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ảnh tư liệu: Hồng Giang/TTXVN

Các thí sinh kiểm tra, rà soát lại tên và số báo danh dự thi tại điểm thi trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ảnh tư liệu: Hồng Giang/TTXVN

Đơn giản hồ sơ, học gần nơi ở

Ngoài một số trường được phép khảo sát để tuyển sinh lớp 6, việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp (Mầm non, lớp 1 và 6) tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện bằng hình thức xét tuyển. Quy trình tuyển sinh được thực hiện trực tuyến qua hệ thống tuyển sinh đầu cấp của Thành phố, bằng mã định danh của học sinh. Trong đó, căn cứ quan trọng nhất để phân bổ chỗ học cho học sinh là “nơi ở hiện tại” theo thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục Thành phố và trên VneID. Dựa trên hệ thống bản đồ số dùng chung của thành phố (bản đồ GIS) để tính khoảng cách di chuyển, các địa phương sẽ bố trí học sinh học gần nơi ở hiện tại và phù hợp với tình hình thực tế địa phương, không cần theo ranh giới hành chính phường, xã.

Trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đối tượng tuyển sinh ở các địa phương được chia thành 2 nhóm: Nhóm 1 là ưu tiên các trường hợp học sinh có “nơi ở hiện tại” thuộc địa bàn và trong độ tuổi quy định; nhóm 2 là những học sinh có nguyện vọng học tại khu vực không thuộc địa bàn cư trú thực tế, nhóm này được xem xét xét tuyển tùy theo quy định cụ thể của mỗi địa phương, ví dụ như: hoàn thành bậc học trước đó tại địa bàn; có cha, mẹ làm việc tại địa bàn, có “nơi ở hiện tại” thuộc khu vực ranh giới giữa các quận, huyện, học sinh chuyển tỉnh... Nguyên tắc ưu tiên này nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh trong đưa đón con em, đồng thời bổ sung nguồn học sinh cho các địa phương có số lượng trẻ trong độ tuổi tuyển sinh thấp do đặc thù khu vực.

Để đảm bảo dữ liệu phục vụ cho công tác tuyển sinh đầu cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã hướng dẫn các đơn vị rà soát dữ liệu học sinh. Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học rà soát, cập nhật dữ liệu học sinh cuối cấp lên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, xác thực dữ liệu định danh học sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời, thực hiện đồng bộ dữ liệu học sinh cuối cấp từ cơ sở dữ liệu ngành sang cơ sở dữ liệu tuyển sinh đầu cấp. Phụ huynh rà soát và xác nhận thông tin trên trang tuyển sinh đầu cấp. Trên cơ sở đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương phân bổ học sinh vào các trường và hoàn tất công tác tuyển sinh trong tháng 6, sớm hơn 2 tháng so với mọi năm. Trong quá trình tuyển sinh, thông tin trên VneID sẽ là căn cứ xác định thông tin học sinh, thay thế các loại giấy tờ truyền thống.

Tại Trường Tiểu học Huỳnh Thúc Kháng (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), cùng với cập nhật đầy đủ thông tin học sinh lớp 5 trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục Thành phố, hướng dẫn phụ huynh thực hiện các bước đăng ký tuyển sinh trên hệ thống trực tuyến, trường cũng phối hợp với địa phương để rà soát thông tin học sinh vào lớp 1 của trường. Theo thầy Lê Nguyên Quang, Hiệu trưởng nhà trường, năm học tới, trường dự kiến sẽ đón khoảng 300 học sinh vào lớp 1. Hình thức đăng ký tuyển sinh trực tuyến những năm qua đã tạo thuận lợi cho phụ huynh và cả các trường trong thực hiện các công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, với một số phụ huynh gặp đôi chút khó khăn do không “rành” công nghệ, do đó nhà trường đã thành lập một tổ công tác để kịp thời hỗ trợ phụ huynh trong việc đăng ký tuyển sinh.

Còn Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bình Trị Đông B (Quận Bình Tân) Hồ Thanh Danh cho biết, dự kiến năm học mới, trường sẽ tuyển khoảng 16 lớp 6 và duy trì sĩ số 43-45 học sinh/lớp. Sau khi các trường tiểu học thực hiện xong các bước rà soát, xác nhận thông tin tuyển sinh của học sinh cuối cấp, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận sẽ phân tuyến học sinh. Theo danh sách học sinh được phân tuyến trên hệ thống tuyển sinh đầu cấp, trường sẽ tổ chức tiếp nhận học sinh theo kế hoạch.

Năm học 2025-2026, thành phố Thủ Đức dự kiến có gần 13.800 trẻ 5 tuổi vào lớp Lá, hơn 20.500 học sinh vào lớp 1, hơn 18.100 học sinh vào lớp 6. Theo quy định, bên cạnh ưu tiên tuyển học sinh có “nơi ở hiện tại” thuộc địa bàn, thành phố Thủ Đức cũng xem xét tuyển sinh với những học sinh có nguyện vọng học tại địa phương nhưng chưa có tên trên cơ sở dữ liệu ngành, với thứ tự ưu tiên xét tuyển: học sinh đã hoàn thành chương trình mầm non hoặc tiểu học có “nơi ở hiện tại” thuộc thành phố Thủ Đức nhưng học ngoài Thành phố Hồ Chí Minh; học sinh có cha hoặc mẹ làm việc tại thành phố Thủ Đức; học sinh chuyển tỉnh; học sinh thuộc các trường hợp đặc thù của địa phương.

Lựa chọn nguyện vọng phù hợp

Năm học 2025-2026, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tuyển sinh lớp 10 bằng hai hình thức: thi tuyển và xét tuyển. Trong đó, hình thức thi tuyển được áp dụng với các trường trung học phổ thông công lập (đối tượng dự thi là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh). Hình thức xét tuyển thực hiện với các trường tư thục, cơ sở giáo dục thường xuyên và Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Thạnh An, huyện Cần Giờ (với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tại trường này).

Trong đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức trong 2 ngày 6 và 7/6, với 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Thí sinh có nguyện vọng vào lớp 10 chuyên hoặc tích hợp sẽ thi thêm môn tương ứng (thí sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 tích hợp mà đã học chương trình này từ cấp trung học cơ sở thì không thi môn tích hợp mà dùng điểm trung bình môn này xét tuyển).

Thí sinh được đăng ký tối đa 8 nguyện vọng thi tuyển lớp 10 công lập, gồm 3 nguyện vọng vào lớp 10 thường, 2 nguyện vọng chuyên và 3 nguyện vọng tích hợp. Năm nay, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 79%, tăng đáng kể so với 65% ở năm ngoái.

Theo các chuyên gia, căn cứ quan trọng nhất để đăng ký nguyện vọng là sự phù hợp với năng lực học tập của học sinh; tiếp đó, việc chọn trường cũng cần xem xét đến các yếu tố gần nơi ở để thuận tiện cho việc đi lại; phù hợp nhu cầu học tập của học sinh, như các môn học tự chọn, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa… mà nhà trường có tổ chức.

Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh (Quận 1) chia sẻ, từ trước kỳ nghỉ lễ 30/4, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh khối lớp 9 để hướng dẫn, tư vấn kỹ lưỡng việc chọn nguyện vọng vào lớp 10. Phụ huynh cần theo dõi, nghiên cứu kỹ về thông tin tuyển sinh của các trường, đặc biệt là về chỉ tiêu, về chương trình giáo dục của nhà trường. Trong lựa chọn nguyện vọng, việc đánh giá đúng năng lực của học sinh là cơ sở quan trọng nhất. Xuyên suốt quá trình tư vấn, nhà trường luôn nhấn mạnh và mong muốn phụ huynh đừng đặt nguyện vọng ở những trường quá sức với các em.

Ông Cao Đức Khoa cho biết, năm nay, Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh không tổ chức các lớp ôn thi theo 3 môn thi (Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh) như mọi năm, việc ôn tập đã được giáo viên kết hợp ngay trong quá trình học. Giáo viên “dạy đến đâu ôn tập đến đó” để học sinh “học đến đâu chắc đến đó”. Trong tháng 5 này, nhà trường cũng tổ chức học theo thời khóa biểu bình thường, không tăng tiết học để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. “Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, quan trọng là giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách học bài hiệu quả chứ không phải cứ học nhiều là tốt. Việc học và nghỉ ngơi cần được sắp xếp một cách cân bằng, tránh học nhiều quá, tạo áp lực cả về tinh thần và ảnh hưởng đến sức khỏe của các em”, ông Cao Đức Khoa nói.

Thu Hoài (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/giam-ap-luc-trong-tuyen-sinh-dau-cap-20250507075134165.htm