Giảm áp lực từ tăng giá xăng
Giá xăng đã được điều chỉnh tăng lần thứ 6 liên tiếp, lên gần 25.000 nghìn đồng/lít. Việc giá xăng tăng ngay lập tức có những tác động rõ rệt tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng hàng ngày của người dân.
Không chủ quan với lạm phát
Lạm phát đã hạ nhiệt, điều này được phản ánh qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cụ thể bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%. Tuy nhiên điều đáng bàn trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Trong đó chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2023 tăng 0,78% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,26 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 3,28%, tác động tăng 0,12 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,48%, tác động tăng 0,1 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47%, tác động tăng 0,04 điểm phần trăm.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm lương thực tháng 8/2023 tăng 3,28% so với tháng trước, giá thực phẩm tháng 8/2023 tăng 0,48%. Đặc biệt chỉ số giá nhóm giao thông tháng 8/2023 tăng 3,85% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào các đợt: 1/8, 11/8 và 21/8/2023 làm cho giá xăng tăng 9,85% so với tháng trước; giá dầu diezen tăng 15,9%. Có thể thấy, giá xăng tăng liên tiếp trong trong 3 kỳ điều hành của tháng 8 đã tác động nhất định đến giá cả thị trường.
Trong kỳ điều hành đầu tiên của tháng 9, giá xăng tiếp tục tăng sát ngưỡng 25.000 đồng/ lít, từ đà tăng này, công cuộc hạ nhiệt lạm phát của Việt Nam rất có thể sẽ gặp trở ngại trong giai đoạn tới. Các mặt hàng xăng dầu luôn là nguyên liệu đầu vào thiết yếu của nền kinh tế và việc giá xăng dầu được điều chỉnh tăng sẽ kéo theo đà tăng của nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, đặc biệt là lĩnh vực giao thông vận tải.
Một chuyên gia trong lĩnh vực logistic nói, giá dầu và giá năng lượng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp logistics. Với doanh nghiệp, chi phí logistic có thể lên tới 60 - 65%. Chi phí nhiên liệu với doanh nghiệp vận tải chiếm 30 - 40% trong cơ cấu giá thành. Khi giá nhiên liệu tăng 10 - 15%, giá vận tải sẽ phải gia tăng tương ứng.
Anh Trường Giang – chủ một công ty vận tải đường dài ở Hà Nội cho biết, giá xăng dầu liên tục tăng làm cho chi phí hoạt động kinh doanh tăng. Phương tiện vận tải phải đổ dầu hằng ngày để hoạt động nhưng cước phí không thể tăng ngay.
Theo phân tích của giới chuyên gia, hiện nay kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Trong hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ, phần lớn các ngành đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Giá cả biến động từng ngày
Phía người tiêu dùng cũng cảm nhận rõ những tác động của giá xăng lên đời sống hàng ngày. Là một đầu mối bán buôn quần áo online, anh Tùng Lâm (Hà Đông - Hà Nội) chia sẻ: “Hàng hóa ế ẩm, đăng bài lên nhưng lượng tương tác ít, khách mua giảm nhiều. Người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu”. Theo anh Lâm, sản xuất kinh doanh khó khăn dẫn đến thu nhập của người lao động giảm sút. Trong khi đó, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như: điện, xăng dầu, lương thực thực phẩm đã tăng trong những tháng qua, khiến chi tiêu của nhiều người dân càng eo hẹp.
Cũng trong tình cảnh phải tính toán chi ly các khoản chi cho gia đình, chị Hà Giang (Long Biên - Hà Nội) cho hay: “Các con vừa khai giảng, rồi sẽ họp phụ huynh, bao nhiêu khoản tiền phải đóng đầu năm. Tôi làm ở cơ quan nhà nước, giá điện, xăng dầu, thịt lợn và gạo đều tăng cao nên mọi chi tiêu giờ đều phải bóp chặt lại” - chị Giang nói và chia sẻ thêm, giá xăng dầu tăng thời điểm này, thực ra người tiêu dùng không sốc nữa. Tuy nhiên, xu hướng giá xăng tăng sẽ tác động lên giá cả các mặt hàng, dịch vụ khác khiến người tiêu dùng cảm nhận rõ hơn và lo ngại hơn sau mỗi lần nghe tin xăng tăng giá.
Bà Nguyễn Phương Lan - chủ ki ốt gạo ở chợ Gia Lâm (Hà Nội), cho biết giá gạo đang rất biến động, tăng theo ngày. Chẳng hạn, hiện giá bán lẻ gạo nàng thơm mềm xốp 16.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng so với cuối tháng trước; gạo Tám Điện Biên 20.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng; gạo Tám Thái tăng 1.500 đồng lên 25.000 đồng/kg… Khi giá gạo tăng giá khiến các mặt hàng được chế biến từ gạo như: bún, bánh phở, bánh đa… cũng chịu ảnh hưởng.
Chủ cửa hàng đồ khô Thắng Hường – chợ Gia Lâm cũng chia sẻ, hiện nay nguyên liệu đầu vào không chỉ mặt hàng gạo tăng giá mà xăng dầu, điện… đều tăng, giá bán lẻ phải điều chỉnh lên 20%-30% để bù đắp chi phí. Điều này cũng ảnh hưởng đến người tiêu dùng khi mua bán các mặt hàng thiết yếu.
Đối với các loại rau, củ, quả đã đồng loạt tăng từ 2.000 - 5.000 đồng, tùy từng khu chợ ở Hà Nội.
“Rau muống, cà chua… là những mặt hàng thiết yếu đã tăng do nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân. Nguyên nhân do thời tiết khắc nghiệt, xăng dầu tăng, kéo theo các chi phí như: Vận chuyển, bảo quản, nhân công... đã đẩy giá thành sản phẩm lên theo” - chị Nguyễn Thị Minh (chủ sạp hàng rau tại chợ đầu mối Văn Quán, Hà Đông) chia sẻ.
Hạn chế tình trạng “té nước” theo giá xăng
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc giá xăng, dầu tăng mạnh ảnh hưởng lớn tới hoạt động vận tải, cũng như làm “đội” chi phí vận hành của các loại máy móc phục vụ sản xuất công, nông nghiệp sử dụng dầu diesel. Việc giá dầu tăng như vậy sẽ tác động rất lớn đến tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Song quan trọng hơn là trong bối cảnh nền kinh tế va các doanh nghiệp nỗ lực phục hồi thì việc đảm bảo nguồn cung, không để đứt gãy nguồn cung là ưu tiên số một.
Theo vị chuyên gia này, để hạn chế tác động từ giá xăng dầu tăng, cơ quan quản lý cần chủ động đảm bảo nguồn cung hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa tiêu dùng đầy đủ. Hạn chế tối đa tình trạng giá cả “ăn theo” giá xăng, mà thậm chí còn tăng mạnh hơn giá xăng.
Ông Thịnh cho rằng, liên bộ Công Thương – Tài chính cần có sự theo dõi, xem xét sự tăng của giá xăng dầu nói chung, đặc biệt là mặt hàng dầu diesel vì nó liên quan trực tiếp đến sự tăng trưởng và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Còn theo quan điểm của PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu, hạn chế tình trạng giá cả “té nước” theo giá xăng dầu để trục lợi. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, có biện pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng theo phản ánh của người dân, trong bối cảnh giá cả biến động, tiết kiệm là cách nhiều người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh hiện tại: thu eo hẹp, chi tiêu gia tăng. Tuy nhiên, về lâu dài thì tiết kiệm sẽ không kích thích sản xuất, không tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, từ đó lại tác động đến đời sống. Trong bối cảnh này, sự điều tiết tăng giá hợp lý, linh hoạt của các mặt hàng là rất cần thiết để người dân bớt khó khăn.
Phải theo dõi chặt chẽ lạm phát
Lạm phát bắt đầu giảm mạnh từ cuối năm 2022 vì thu nhập của người dân giảm sút khiến cầu hàng hóa giảm. Bên cạnh đó, thị trường tài sản gồm bất động sản và chứng khoán giảm mạnh nên tiêu dùng cũng bị cắt giảm nhanh. Cung tiền tăng chậm, giá nguyên vật liệu cũng giảm nên cũng “hạ nhiệt” áp lực lạm phát trong suốt thời gian qua. Thế nhưng hiện nay các biến số về năng lượng, giá lương thực thực phẩm và giá xăng dầu... chính là những nhân tố tiềm ẩn, do đó cần phải theo dõi chặt chẽ lạm phát.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-ap-luc-tu-tang-gia-xang-5727638.html