Giảm bớt áp lực cung ứng vốn lên ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng mạnh hơn, trong khi lãi suất huy động giảm khiến việc gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn và dòng tiền dần rút khỏi ngân hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh lãnh đạo Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước liên tục chỉ đạo các nhà băng phải giữ mặt bằng lãi suất huy động thấp thì tăng trưởng huy động càng khó hơn.

Trong năm nay, các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn khi phải đối mặt với việc nới lỏng chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 16%. Hiện, các ngân hàng đang phải tìm cách xoay xở để thu hút nguồn vốn phục vụ nền kinh tế. Song, các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp phát triển thị trường tài chính theo hướng cân bằng hơn, giảm bớt áp lực cung ứng vốn trung và dài hạn lên hệ thống ngân hàng.

Tiền "chạy" ra khỏi hệ thống

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tháng 1/2025, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của toàn hệ thống ngân hàng đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2024.

Trong tháng 1, tiền gửi dân cư vẫn tiếp tục tăng thêm 123.000 tỷ đồng (tăng 1,74% so với cuối năm 2024). Tuy nhiên, tiền gửi tổ chức kinh tế giảm mạnh tới 233.000 tỷ đồng so với cuối 2024 (giảm 3,04%) đã khiến tổng huy động vốn của ngân hàng sụt giảm.

Việc tiền gửi vào hệ thống ngân hàng sụt giảm vào tháng đầu năm được cho là do yếu tố mùa vụ khi đây là thời điểm cận Tết, nhu cầu rút tiền của người dân, doanh nghiệp tăng để chi trả cho việc mua sắm, chi trả lương thưởng… Cùng với đó là lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm từ sau Tết Nguyên đán đến nay.

Tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm sau 5 tháng tăng liên tiếp, kéo huy động vốn ngân hàng sụt giảm đầu năm nay.

Tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm sau 5 tháng tăng liên tiếp, kéo huy động vốn ngân hàng sụt giảm đầu năm nay.

Từ ngày 25/2, NHNN đã có cuộc họp khẩn với các ngân hàng thương mại, sau khi Thủ tướng ra công điện yêu cầu thanh tra, kiểm tra các ngân hàng thương mại tănglãi suất huy động, xử lý nghiêm những đơn vị không thực hiện theo chỉ đạo.

Ngay sau cuộc họp này, các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi. Từ ngày 25/2 đến ngày 14/4, có 27 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm, tùy theo kỳ hạn.

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động khiến dòng tiền chạy khỏi ngân hàng, tăng trưởng tín dụng lại tăng nhanh. Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ tài chính), tại thời điểm ngày 25/3/2025, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36%, trong khi tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,49%. Như vậy, thời điểm này, chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng.

Còn theo số liệu của NHNN, tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước.

Cập nhật tại một số ngân hàng cũng cho thấy tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao. Đơn cử như MSB, tính đến cuối quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,92%, tương đương dư nợ cho vay khách hàng đạt 192.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tăng chậm hơn, đạt 5,8% đến hết quý I, tương đương 163.000 tỷ đồng. Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 của MSB là 20%.

Tương tự, tại SHB, tính đến ngày 31/3/2025, dư nợ cấp tín dụng đạt 575.777 tỷ đồng, cũng tăng khá mạnh 7,8% so với cuối năm ngoái. Tổng giám đốc Ngô Thu Hà khẳng định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 16% chắc chắn sẽ đạt được. Theo đó, ngân hàng phát triển mạnh khách hàng chiến lược, khách hàng doanh nghiệp lớn, SME và khách hàng bán lẻ. Đồng thời, mở rộng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ đang thúc đẩy như hạ tầng, tín dụng xanh, công nghệ cao, logistics.

Tín dụng chưa đủ lực, cần phát triển thị trường vốn

Tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo "Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025", TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng năm nay kinh tế Việt Nam tuy được dự báo tăng trưởng khá, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức hơn là cơ hội, nhất là trong các lĩnh vực về quan hệ đối ngoại, an ninh, kinh tế, thương mại (đặc biệt liên quan đến các chính sách thuế quan) và đầu tư quốc tế.

“Mức độ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào kết quả đàm phán thuế quan đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ”, ông Lực nhấn mạnh.

Với bối cảnh quốc tế và trong nước như vậy, thị trường tài chính năm 2025 được dự báo bên cạnh những thuận lợi sẽ đối mặt với một số rủi ro, thách thức. Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 14-15% do lực cầu và hấp thụ vốn ở một số lĩnh vực còn yếu, thị trường bất động sản phục hồi còn chậm với giá bất động sản còn cao, vượt nhiều khả năng chi trả của người dân.

Nhóm nghiên cứu Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV dự báo năm nay lãi suất huy động bình quân sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ; lãi suất cho vay cũng được dự báo đi ngang hoặc giảm nhẹ, khoảng 0,1 - 0,3 điểm %.

Mặc dù lãi suất tương đối thấp, song ông Lực nhận định tiền gửi vẫn là kênh trú ẩn tích cực. Tăng trưởng huy động vốn năm 2025 dự báo ở mức khoảng 12-13%; tín dụng tăng 14-15%.

"Thanh khoản hệ thống ngân hàng có thể tốt hơn năm ngoái. Tuy nhiên, trước áp lực lãi suất huy động và cho vay tăng lên, cần điều hành tốt hơn để giảm lãi suất cả đầu vào và đầu ra, đây là thách thức lớn", TS. Cấn Văn Lực nêu.

Để đủ nguồn lực cung ứng vốn cho nền kinh tế và giảm bớt tình trạng phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, ông Lực cho rằng hiện nay tỷ lệ cung ứng vốn của các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn thấp. "Chúng ta cần tìm cách tăng cường vốn từ các kênh khác mạnh mẽ hơn, nhất là từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu chỉ đóng góp 14%, quá thấp. Tôi cho rằng cấu phần này cần đóng góp khoảng 20 - 30%", ông Lực nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinRatings và FiinGroup, cho rằng trong vài năm tới, nền kinh tế vẫn phải phụ thuộc vào vốn từ ngân hàng. Trong bối cảnh kìm giữ không tăng lãi suất huy động, theo ông Thuân, để tăng trưởng cho vay, ngân hàng sẽ phải tăng huy động vốn cổ phần, điều này lại gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhà nước: muốn tăng trưởng cho vay nhưng lại không biết lấy nguồn vốn từ đâu để cho vay. Vì vậy, cần thúc đẩy sự phát triển và nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất để cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/giam-bot-ap-luc-cung-ung-von-len-ngan-hang-1106339.html