Giảm bớt các hoạt động bắt buộc phải tuân thủ Luật Chứng khoán

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được chỉnh sửa theo hướng giảm bớt các hoạt động bắt buộc phải tuân thủ Luật Chứng khoán, cụ thể đã bỏ quy định về đầu tư và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán so với dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Sáng 22/10, Quốc hội tiến hành phiên họp toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Báo cáo thẩm tra cho rằng, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội Kỳ họp thứ 8 có quy định về điều kiện, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến quy định ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc quy định như tại Điều 50 dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bảo đảm được tính thống nhất với quy định hiện hành và dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), bảo đảm tính linh hoạt bằng việc giao Chính phủ hướng dẫn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua rà soát, các quy định của dự thảo Luật không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của các luật khác và không gây ra các xung đột pháp luật. Riêng Luật Các tổ chức tín dụng có quy định những điều kiện nhằm hạn chế hoạt động đầu tư chứng khoán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để ngăn ngừa rủi ro và bảo đảm an ninh tiền tệ.

Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Điều 3 được chỉnh sửa theo hướng giảm bớt các hoạt động bắt buộc phải tuân thủ Luật Chứng khoán, cụ thể đã bỏ quy định về đầu tư và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán so với dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Bên cạnh đó, Để tạo thuận lợi cho hoạt động của các chủ thể kinh doanh, Điều 69 của dự thảo Luật cũng đã sửa đổi quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tương tự quy định về cấp giấy phép cho tổ chức tín dụng tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Về nội dung chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, để bảo đảm đồng bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Đối với điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc nâng điều kiện về vốn điều lệ là nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy mô thị trường chứng khoán. Quy định điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra công chúng là 30 tỷ đồng cũng tương thích với điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện nay.

Liên quan đến việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng phân định rõ phạm vi Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán của doanh nghiệp không phải công ty đại chúng.

Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp, giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối. Đồng thời, mô hình hiện nay đã và đang phát huy tác dụng tốt, giúp cho Bộ Tài chính quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến tài chính của đất nước; các chính sách phụ trợ cho sự phát triển của thị trường chứng khoán được ban hành trong chỉnh thể đồng bộ, linh hoạt.

Để bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ có 1 Sở giao dịch chứng khoán duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán; sửa đổi tên gọi Sở giao dịch chứng khoán thành Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam tại các điều, khoản liên quan.

Mặt khác, những biến động về thị trường tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia. Do vậy, để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chi phối đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 42 của dự thảo Luật, theo đó Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Thảo luận về dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và cho rằng, với những điểm mới sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá, dự thảo Luật sẽ góp phần giúp thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Từ đó, giúp thị trường chứng khoán ngày càng công khai và minh bạch, đặc biệt, sẽ nâng cao được năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý.

Về quy định xử phạt sai phạm trong hoạt động chứng khoán, mặc dù dự thảo Luật có tăng mức phạt lên gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần đối với cá nhân, nhưng trong thực tế, không chỉ các công ty chứng khoán trực tiếp tham gia hoạt động chứng khoán mà còn có cả những cá nhân, tổ chức gián tiếp khác. Do đó, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cần quy định rõ hơn trong trường hợp vi phạm, đối tượng vi phạm có thu nhập trái pháp luật trực tiếp hay không trực tiếp đều phải bị xử phạt.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giam-bot-cac-hoat-dong-bat-buoc-phai-tuan-thu-luat-chung-khoan-post69555.html