Giảm cân ở thanh niên béo phì có thể ngăn ngừa tử vong sớm

Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thanh niên mắc bệnh béo phì giảm cân có thể giúp giảm nguy cơ tử vong sớm, cải thiện tuổi thọ…

Gia tăng tình trạng béo phì trên toàn cầu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng, bệnh béo phì tăng gấp ba kể từ năm 1975 trên toàn cầu. Trong năm 2016, hơn 650 triệu người lớn có bệnh béo phì. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ béo phì ở người lớn đã tăng từ 30,5% lên 42,4% dân số từ năm 1999 đến 2018 (Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh –CDC).

Béo phì có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường loại 2 và một số loại ung thư, khiến nó trở thành nguyên nhân chính gây tử vong sớm có thể phòng ngừa được.

Tuy nhiên, ước tính về số ca tử vong có thể do béo phì rất khác nhau, do có sự tương tác phức tạp giữa trọng lượng cơ thể và các yếu tố như tuổi tác, hút thuốc, ăn kiêng và tập thể dục…

Ngoài ra, các nhà khoa học vẫn không chắc chắn liệu việc mang cân nặng quá mức ở tuổi trưởng thành có gây ra những thay đổi sinh lý có hại không thể đảo ngược bằng cách giảm cân sau đó.

Một nhóm được dẫn đầu bởi các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Đại học Boston, ở Massachusetts, đã bắt đầu khám phá liệu giảm cân sau khi bị béo phì ở tuổi trưởng thành có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong sau này trong cuộc sống hay không. Phát hiện của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí JAMA Network Open.

Giảm cân ngăn ngừa tử vong sớm

Các bác sĩ thường sử dụng một thước đo gọi là chỉ số khối có thể (BMI) để xác định xem một người có cân nặng hợp lý hay không. Để tính toán điều này, bác sĩ chia trọng lượng của một người (theo kg) cho chiều cao của họ theo mét bình phương (m2). Theo đó, BMI khỏe mạnh là từ 18,5–24,9; thừa cân từ 25,0–29,9 và béo phì là từ trên 30…

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 24.205 người ở Hoa Kỳ tham gia Khảo sát Kiểm tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia (NHANES). Là một phần của cuộc khảo sát này, các nhà khoa học đã ghi lại cân nặng của những người tham gia khi họ ở độ tuổi từ 40 đến 74 và cân nặng trước đó 10 năm (giai đoạn tuổi thanh niên- còn gọi là đầu trưởng thành và trung niên).

Các nhà nghiên cứu đã xem xét những thay đổi của BMI từ giai đoạn đầu trưởng thành đến giai đoạn trung niên và tác động của chúng đối với tỷ lệ tử vong, được đo lường trong thời gian theo dõi NHANES. Sau đó, họ tính đến các yếu tố khác ảnh hưởng đến nguy cơ tử vong, chẳng hạn như giới tính, hút thuốc trong quá khứ và hiện tại, và trình độ học vấn…

Trong thời gian theo dõi trung bình là 10,7 năm, có 5.846 ca tử vong trong số những người tham gia. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng chỉ số BMI béo phì ở tuổi thanh niên được giảm xuống thừa cân ở tuổi trung niên, có liên quan đến việc giảm 54% nguy cơ tử vong, so với việc duy trì chỉ số BMI béo phì trong cùng thời kỳ. Điều này cho thấy rằngtác hại của béo phì có thể được đảo ngược.

Các nhà khoa học ước tính rằng 3,2% tổng số ca tử vong sớm trong nghiên cứu sẽ được ngăn chặn nếu những người có chỉ số BMI béo phì giảm xuống mức thừa cân ở tuổi trung niên. Ngoài ra, họ tính toán rằng có thể tránh được 12,4% tổng số ca tử vong sớm nếu tất cả mọi người có chỉ số BMI ở mức thừa cân hoặc béo phì giảm xuống mức khỏe mạnh ở độ tuổi trung niên.

Kết quả cho thấy một cơ hội quan trọng để cải thiện sức khỏe dân số thông qua việc ngăn ngừa béo phì ban đầu và thứ cấp, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ hơn. GS Andrew Stokes, tác giả nghiên cứu cho biết.

Theo các nhà khoa học, mặc dù nghiên cứu này tập trung vào việc ngăn ngừa tử vong sớm, nhưng duy trì cân nặng hợp lý cũng sẽ giảm gánh nặng của nhiều bệnh mãn tính, chẳng hạn như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim và thậm chí là ung thư…

Dương Sơn

(Theo MNT 2020)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giam-can-o-thanh-nien-beo-phi-co-the-ngan-ngua-tu-vong-som-n182504.html