Giảm căng thẳng tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

Theo Roi-tơ và TTXVN, truyền thông Ấn Độ ngày 9-6 cho biết, Trung Quốc đang rút các binh sĩ được triển khai ở khu vực Gan-oan thuộc vùng đông La-đác và giảm bớt quân số tại khu vực hồ Pan-gông, nơi các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu trong hơn một tháng qua.

Theo Roi-tơ và TTXVN, truyền thông Ấn Độ ngày 9-6 cho biết, Trung Quốc đang rút các binh sĩ được triển khai ở khu vực Gan-oan thuộc vùng đông La-đác và giảm bớt quân số tại khu vực hồ Pan-gông, nơi các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu trong hơn một tháng qua.

Các quan chức cấp cao của Chính phủ Ấn Độ cho biết, Trung Quốc bắt đầu rút quân từ ngày 8-6 và phía Ấn Độ cũng đã có động thái tương tự. Quá trình khôi phục nguyên trạng đang được thực hiện tại các vị trí đối đầu. Ngày 10-6, hai bên tiến hành một cuộc họp sĩ quan cấp thiếu tướng để thống nhất các bước tiếp theo sẽ được triển khai. Trước đó, có tin hoạt động tại các điểm đối đầu đã giảm bớt sau cuộc đàm phán ngày 6-6 giữa các chỉ huy quân sự hai nước.

Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra sau một loạt cuộc đụng độ đầu tháng 5 vừa qua giữa binh sĩ hai bên ở vùng đông La-đác gần hồ Pan-gông. Đây là cuộc đụng độ lớn đầu tiên dọc Ranh giới kiểm soát (LAC) kể từ cuộc đối đầu 73 ngày tại Đô-clam năm 2017.

* Ngày 9-6, Nga xác nhận sẽ mở các cuộc đàm phán với Mỹ trong tháng 6 về việc gia hạn một hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân, song cảnh báo nếu Mỹ khăng khăng phải có sự tham gia của Trung Quốc thì sẽ cản trở các nỗ lực đàm phán. Theo kế hoạch, Thứ trưởng Ngoại giao Nga X.Ri-áp-cốp sẽ gặp đặc phái viên Mỹ M.Bin-linh-xli ở Viên (Áo) ngày 22-6 tới để khởi động các cuộc đàm phán về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START Mới), vốn sẽ hết hiệu lực từ tháng 2-2021. Văn kiện này kêu gọi các bên tham gia giảm một nửa kho dự trữ bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược.

Quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Đ.Trăm là hiệp ước START Mới phải có sự tham gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ri-áp-cốp cho biết, Nga không phản đối việc Mỹ mời Trung Quốc tham gia, nhưng điều đó cần có sự đồng thuận của Bắc Kinh. Ngược lại, ông cũng cho rằng các đồng minh của Mỹ như Anh và Pháp, cũng là các cường quốc hạt nhân có kho dự trữ chiến lược ở quy mô nhỏ, cần tham gia các cuộc đàm phán này.

Theo Hiệp hội kiểm soát vũ khí, có trụ sở tại Oa-sinh-tơn, năm 2019, Mỹ và Nga mỗi nước sở hữu hơn 6.000 đầu đạn hạt nhân, trong khi Trung Quốc chỉ có 290, Pháp có 300 và Anh có 200.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44812102-giam-cang-thang-tai-bien-gioi-an-do-trung-quoc.html