Giảm chi phí điều trị, tăng cơ hội sống sót nhờ tầm soát ung thư sớm
Theo lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong phòng, chống ung thư hiện nay.
Bên lề sự kiện ra mắt Trung tâm Tầm soát công nghệ cao Nura tích hợp AI tại Đông Nam Á ngày 1/7, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định: Hiện nay Việt Nam đang có số lượng tỉ lệ mắc ung thư cao. Vấn đề ở đây là làm sao phát hiện được càng sớm thì khả năng quản lý, điều trị có hiệu quả hơn. Đặc biệt những bệnh ung thư phổ biến ở nam giới và nữ giới như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư cổ tử cung...
Việc ứng dụng thêm công nghệ AI sẽ là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các thầy thuốc để nâng cao năng lực phát hiện sớm các tổn thương, nghi ngờ ung thư để có thể phát hiện sớm hơn bệnh.
"Phát hiện sớm ung thư thì đồng nghĩa với chi phí điều trị giảm đi, khả năng sống sót của người bệnh tăng lên. Chính vì vậy, việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong phòng, chống ung thư hiện nay, để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân", ông Khoa khẳng định.
Dẫn chứng thêm, ông Khoa cho biết, đã có thống kê mỗi năm tại Việt Nam phát hiện khoảng 180 nghìn ca mắc ung thư, tuy nhiên tỷ lệ tử vong lại chiếm tới hơn 73%, trong khi tại Nhật Bản, với hơn 1 triệu ca ung thư được phát hiện thì tỷ lệ sống sót lại lên tới 70%, nhờ việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Hiện nay, Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh đã có một số hướng dẫn phát hiện sớm các bệnh ung thư. Tuy nhiên, nhờ những công nghệ có ứng dụng AI sẽ hỗ trợ thêm cho các bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa...
Đánh giá về vai trò hỗ trợ của AI trong sàng lọc, TS.BS Lê Tuấn Linh, Giám đốc Trung tâm CĐHA và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng: AI được ứng dụng trong lĩnh vực y tế là một điều tất yếu. Ứng dụng công nghệ AI của Naru trong tầm soát sớm, có thể phát hiện tổn thương chỉ từ vài mm, sẽ giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ không bỏ sót một bất thường nào, từ đó lên kế hoạch theo dõi và tư vấn tốt nhất cho khách hàng".
Để giảm bớt tỉ lệ bệnh tật, ông Khoa nhấn mạnh cần phải phòng bệnh bằng thói quen, lối sống, chế độ dinh dưỡng như: Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, bảo vệ môi trường, thói quen ăn uống cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần tầm soát sớm ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người hút thuốc lá nhiều năm trên 45 tuổi; hoặc với phụ nữ thì tăng cường tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung…
Chia sẻ thêm về Trung tâm Tầm soát công nghệ cao Nura tích hợp AI, ông Nguyễn Huy Tuấn, CEO của Naru cũng nhấn mạnh: "Với sự trợ giúp của AI sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm 10 bệnh ung thư và 22 bệnh lối sống (tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, cholesterol máu cao...), từ đó có xử trí kịp thời; đồng thời hướng tới nâng cao ý thức, hình thành thói quen chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người dân".