Giảm chi phí trong mô hình Sản xuất lúa gạo bền vững
Để hỗ trợ nông dân sản xuất lúa giảm chi phí, tăng lợi nhuận sau thu hoạch, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất lúa áp dụng kỹ thuật '1 phải 5 giảm', '3 giảm 3 tăng' đã đem lại nhiều thành quả tích cực cho bà con nông dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong vụ lúa Hè - Thu 2021, trung tâm đã thực hiện mô hình Sản xuất lúa gạo bền vững tại huyện Thạnh Trị, với mục tiêu là hình thành cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm” và liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa gạo giữa nông dân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) với doanh nghiệp.
Mô hình Sản xuất lúa gạo bền vững trên địa bàn 2 xã Tuân Tức, Thạnh Tân (Thạnh Trị), diện tích 80ha đang giai đoạn cong trái me. Anh Liêu Hoành Na, ấp Trung Bình, xã Tuân Tức (Thạnh Trị) chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên bà con nông dân tại ấp thực hiện mô hình Sản xuất lúa gạo bền vững do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Bà con rất phấn khởi, bởi áp dụng mô hình được hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo quy trình “1 phải 5 giảm” nên giảm đáng kể lượng giống gieo sạ. Nếu như trước đây phải gieo sạ bằng tay, 1.000m2 đất cần lượng giống từ 18 - 20kg thì trong mô hình dùng máy phun hạt 1.000m2 chỉ cần 12 - 13kg giống gieo sạ. Nhờ sạ thưa, lúa phát triển tốt, độ lớn cây lúa đồng đều, dễ bắt phân nên cây lúa chắc khỏe, hạt lúa no đầy, đặc biệt là ruộng hạn chế đáng kể dịch bệnh, nhất là bệnh đạo ôn trên lúa giảm hơn 50% và nếu có nhiễm bệnh đạo ôn, chỉ cần phun thuốc 1, 2 đợt là lúa khỏi bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại, lúa trên đồng 40ha trong mô hình đang giai đoạn cong trái me. Theo tính toán, chi phí đầu tư tầm 12 - 13 triệu đồng/ha, giảm khoảng 30% chi phí so cùng kỳ năm trước, giá được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg. Giá đã chốt ổn định, nếu lúa có giảm giá trên thị trường, doanh nghiệp vẫn thu mua với giá đã chốt trước đó, nên nông dân rất yên tâm trong mùa vụ sản xuất”.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Thắng Lợi, xã Thạnh Tân (Thạnh Trị) Hồng Danh cho biết: “Được sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, thời gian qua HTX đã áp dụng nhiều mô hình trong sản xuất lúa như: mô hình Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ... Tuy nhiên, các mô hình trên chỉ theo hình thức trình diễn để nhân rộng cho nông dân áp dụng làm theo. Còn với mô hình Sản xuất lúa gạo bền vững, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai với diện tích 40ha, các thành viên trong HTX đều tham gia trong mô hình, giúp cho nhiều thành viên giảm chi phí đầu tư ban đầu, bởi trung tâm hỗ trợ 50% giống, phân bón, kể cả tiền làm đất trước khi gieo sạ. Đồng thời, khi sản xuất lúa theo mô hình do trung tâm hướng dẫn, nông dân sử dụng hoàn toàn cơ giới hóa trong canh tác lúa từ khâu gieo sạ bằng máy phun hạt, cho đến phun thuốc bảo vệ thực vật đều sử dụng máy bay không người lái để phun nên hiệu quả đem lại rất tốt, giảm đáng kể chi phí thuê nhân công lao động, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 30% so với bên ngoài, đặc biệt nông dân tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm trong sản xuất lúa, nhằm tạo ra lúa, gạo an toàn. Do áp dụng quy trình canh tác lúa “1 phải 5 giảm” nên lúa hạn chế tối đa sâu bệnh, chi phí đầu tư giảm khoảng 1,2 triệu đồng/1.000m2. Bên cạnh đó, cánh đồng lúa được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên nông dân không lo, nếu giá thị trường có xuống thấp, doanh nghiệp vẫn thu mua với giá đã hợp đồng trước đó”.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Võ Văn Bé thông tin: “Mô hình Sản xuất lúa gạo bền vững được đơn vị triển khai thực hiện trong vụ lúa Hè - Thu (2021) đã hình thành thói quen cho nông dân trong việc sản xuất tập trung trong cánh đồng lớn, gieo trồng đồng loạt theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chuyên môn, giúp nông dân tiết kiệm được các khoản chi phí đầu tư so với cách làm theo kiểu truyền thống, nông dân đã ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa các khâu sản xuất từ làm đất, gieo trồng, bơm nước (tưới, tiêu). Ngoài ra, trong mô hình còn ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp bao tiêu lúa sau thu hoạch nên người dân tham gia yên tâm sản xuất”.