Giảm đáng kể thiệt hại do hạn mặn nhờ chuyển dịch mùa vụ

Cùng với việc chuyển dịch mùa vụ sớm để giảm thiệt hại do hạn mặn xâm nhập, tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến cáo người dân chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi.

Trồng dưa hấu mùa khô mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Trồng dưa hấu mùa khô mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Hạn mặn trong mùa khô 2019-2020 được cho là ở mức kỷ lục về cả mức độ khốc liệt đến ảnh hưởng về diện tích cây trồng, chiều sâu của mặn xâm nhập.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn 4 năm về trước, nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự chuẩn bị tốt để ứng phó. Nhờ vậy, mức độ thiệt hại do hạn mặn đến đầu tháng 4/2020 vẫn được các ngành chuyên môn địa phương đánh giá là rất thấp so với quy mô ảnh hưởng.

Hiệu quả từ chuyển dịch mùa vụ

Tại Sóc Trăng cũng như các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mùa khô năm nay đến sớm hơn mọi năm và diễn biến khó lường đang ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của bà con nông dân nhiều vùng trong tỉnh.

Từ tháng 12/2019, xâm nhập mặn đã xuất hiện, sớm hơn 1 tháng so với trung bình các năm. Nước mặn hiện đã xâm nhập sâu hơn 70km từ cửa sông Trần Đề vào sâu địa bàn ở nhiều tỉnh thành trong khu vực. Địa phương đang tích cực ứng phó với xâm nhập mặn, bảo vệ nông sản cho bà con.

Theo ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, từ cuối năm 2019, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lưu ý Sóc Trăng là một trong những địa phương cần tập trung dồn sức quyết liệt để chuẩn bị cho vụ Đông Xuân an toàn trước biến đổi khí hậu, hạn mặn có thể sẽ đến sớm.

Nhờ vậy, tỉnh Sóc Trăng đã khuyến cáo bà con mình xuống giống trước, sớm hơn một tháng để khi thu hoạch chính vụ rơi vào thời điểm trước trong và sau Tết Nguyên đán nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn.

Ngay từ đầu mùa khô, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã cùng với các địa phương, nhất là huyện Trần Đề và huyện Long Phú đã tiến hành thu hoạch xong diện tích lúa chính vụ.

Mặc dù được khuyến cáo nhưng một số hộ thu hoạch sớm đã xuống giống tiếp vụ 3. Theo lãnh đạo hai địa phương vùng ven biển nói trên của tỉnh Sóc Trăng, diện tích xuống giống vụ 3 chỉ khoảng trên 4.000ha, không đáng kể so với vụ 3 năm trước (khoảng 20.000ha).

Tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng hơn 1.000ha lúa vụ 3 được cho là đã thiệt hại hoàn toàn và khoảng 5.000ha lúa bị ảnh hưởng từ 30-70% năng suất. Đây là con số nhỏ so với ảnh hưởng hơn 31.000ha lúa, màu cây ăn trái với trị giá gần 1.000 tỷ đồng trong kỳ hạn mặn mùa khô 2015-2016 của tỉnh.

Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng

Cùng với việc chuyển dịch mùa vụ sớm để giảm thiệt hại do hạn mặn xâm nhập, tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến cáo người dân chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi; trong đó, các giống cây trồng ngoài được ngành chuyên môn khuyến cáo và người dân cũng mạnh dạn tìm cách chuyển đổi.

Chuyển đổi mạnh mẽ nhất là tại huyện Cù Lao Dung với hơn 3.000ha mía được chuyển đổi sang các cây trồng khác trong 3 niên vụ gần đây, trung bình mỗi năm chuyển đổi được hơn 1.000ha mía. Nhờ đó, diện tích đất trồng mía của huyện hiện chỉ còn chưa đầy 4.000ha.

Người dân phá bỏ diện tích mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây mới như: nhãn, bưởi, xoài, rau màu. Phần còn lại để trồng mía lấy nước phục vụ nhu cầu giải khát, đem lại hiệu quả cao hơn so với mía nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy đường. Ngoài ra, một phần diện tích không nhỏ ven sông Hậu được phát triển để nuôi thủy sản.

Kế Sách là vùng ngọt hóa của tỉnh Sóc Trăng với hơn 16.000ha cây ăn trái, nhưng năm nay, mặn cũng đã xâm nhập vào sâu trong các con kênh, đe dọa trực tiếp đến vườn cây ăn trái của bà con. Nơi đây, bà con trồng cây ăn trái thường tranh thủ lúc triều thấp, độ mặn giảm dưới 1gr/lít (một phần nghìn) thì tiến hành bơm trữ nước và đóng chặt cống dẫn ra sông để bảo vệ vườn cây.

Ngoài việc chủ động trữ nước, nhiều hộ trồng cây ăn trái ở đây cũng đã lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để sử dụng nguồn nước hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc ứng phó với hạn mặn bằng giải pháp công trình, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng tích cực nghiên cứu, ứng dụng và khuyến cáo nông dân chuyển đổi các giống cây trồng chịu mặn để canh tác. Nhiều diện tích đã được bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có thể sống chung với hạn mặn.

Chuẩn bị nước sạch để trao tặng bà con vùng hạn mặn Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Chuẩn bị nước sạch để trao tặng bà con vùng hạn mặn Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Còn tại thị xã Ngã Năm, cây mãng cầu gai cũng đang được bà con trồng nhiều. Những năm trước đây, nước mặn từ phía Bạc Liêu đổ về ảnh hưởng đến lúa và cây trồng. Để chủ động đối phó, bà con đã trồng giống mãng cầu gai ghép trên thân cây bình bát.

Từ chỗ chỉ trồng ứng phó với xâm nhập mặn, hiện nay, thị xã Ngã Năm đã có trên 300 ha mãng cầu gai, trở thành vùng chuyên canh cây mãng cầu gai lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Sóc Trăng, ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn không chỉ là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp mà còn của cả hệ thống chính trị và từng bà con nông dân. Do đó, cần thiết sự hưởng ứng, đồng lòng để thực hiện triệt mới thu về thành công.

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết về lâu dài, tỉnh khuyến khích phát triển và ứng dụng các mô hình sản xuất hoa màu, cây ăn trái công nghệ cao, sử dụng tưới nước tiết kiệm. Mỗi hộ gia đình nên có 1 ao trữ nước. Một nông hộ có 1-2ha đất canh tác, nếu đào 1.000m2 sâu xuống 4-5 mét thì đã có hàng nghìn mét khối nước dự trữ, có thể giải cứu việc thiếu nước trong mấy tháng mùa khô hạn./.

Trung Hiếu (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/giam-dang-ke-thiet-hai-do-han-man-nho-chuyen-dich-mua-vu/632890.vnp