Giám định tư pháp trong hoạt động xây dựng: Phục vụ đắc lực cho công tác tố tụng

Về giám định tư pháp và một số điểm mới trong công tác giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-BXD ngày 27/5/2014 công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Giám định tư pháp xây dựng là một phần quan trong trong công tác tố tụng khi xảy ra vụ việc.

Theo đó, Quyết định này đã công bố 6 thủ tục hành chính mới ban hành về “giám định tư pháp trong hoạt động xây dựng” quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Quy định cho cấp Trung ương và địa phương

Nội dung cụ thể của từng thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng. Trong đó quy định việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng.

Trình tự thực hiện là, cá nhân là công chức thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ; cá nhân thuộc đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp Nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có nhu cầu bổ nhiệm là giám định viên tư pháp xây dựng cung cấp thông tin theo mẫu quy định tại phụ lục 1, Thông tư số 04/2014/TT-BXD ngày 22/4/2014 về hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp xây dựng và các hồ sơ liên quan theo quy định tại Điều 8, Luật Giám định tư pháp.

Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp xây dựng có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn, đề nghị Bộ trưởng bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp xây dựng. Trường hợp từ chối thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập, đăng tải danh sách giám định viên tư pháp xây dựng trên cổng thông tin điện tử của Bộ đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung về giám định viên tư pháp.

Việc đăng ký, công bố thông tin cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng. Cụ thể, các cá nhân, tổ chức tư vấn, văn phòng giám định tư pháp xây dựng có nhu cầu là giám định viên tư pháp xây dựng theo vụ việc, tổ chức tư vấn xây dựng theo vụ việc cung cấp thông tin như sau:

Đối với cá nhân có nhu cầu là giám định viên tư pháp xây dựng theo vụ việc yêu cầu là công chức thuộc Bộ Xây dựng; cá nhân thuộc đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng có nhu cầu là giám định viên tư pháp xây dựng theo vụ việc cung cấp thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục 1, Thông tư về hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp xây dựng.

Đối với tổ chức có nhu cầu là tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc: Tổ chức là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp Nhà nước có đăng ký kinh doanh hoạt động đầu tư xây dựng thuộc Bộ Xây dựng có nhu cầu là tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc tập hợp thông tin theo Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

Cơ quan đầu mối Bộ Xây dựng tiếp nhận, tổ chức kiểm tra, xem xét hồ sơ thông tin đăng ký. Trường hợp hồ sơ thông tin đăng ký chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan đầu mối gửi văn bản một lần đề nghị cá nhân, tổ chức đăng ký bổ sung, hoàn thiện theo quy định.

Sau 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ thông tin đăng ký hợp lệ của cá nhân, tổ chức, cơ quan đầu mối xem xét, tích hợp dữ liệu và công bố danh sách, thông tin của cá nhân, tổ chức này theo nội dung tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 của Thông tư về giám định tư pháp xây dựng trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng theo quy định.

Đối với việc điều chỉnh, thay đổi thông tin cá nhân có quy định, các cá nhân, tổ chức tư vấn đã được công bố thực hiện về giám định tư pháp xây dựng, khi thay đổi các thông tin đối với cá nhân như đơn vị hiện đang công tác, địa chỉ thường trú, nội dung giám định tư pháp xây dựng, các bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ có liên quan đến nội dung giám định tư pháp xây dựng, tổ chức giám định tư pháp xây dựng như tên tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, địa chỉ, các chức danh chủ nhiệm, chủ trì chuyên môn, nội dung giám định tư pháp xây dựng thì cá nhân, tổ chức đã được công bố có trách nhiệm cung cấp thông tin thay đổi đến Bộ Xây dựng.

Ông Phạm Tiến Văn, Phó cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, khác với Thông tư 35/2009/TT-BXD chỉ quy định điều kiện năng lực đối với tổ chức giám định tư pháp xây dựng, quy định trong Thông tư mới đã quy định rõ tiêu chuẩn của cá nhân và điều kiện năng lực của tổ chức thực hiện giám định tư pháp cho phù hợp theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

Theo quy định mới, các cá nhân, tổ chức giám định tư pháp xây dựng bao gồm: Giám định viên tư pháp xây dựng, người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc và văn phòng giám định tư pháp xây dựng.

Cấp tỉnh được bổ nhiệm giám định viên

Ngoài ra quy định mới cũng quy định thủ tục hành chính cấp tỉnh trong việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp tỉnh.

Theo đó, các cá nhân (trừ các cá nhân là công chức thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ; cá nhân thuộc đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ) có nhu cầu bổ nhiệm là giám định viên tư pháp xây dựng cung cấp thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục 1, Thông tư về hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp xây dựng và các hồ sơ liên quan theo quy định tại Điều 8, Luật Giám định tư pháp.

Người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp xây dựng chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn và tiếp nhận hồ sơ của người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp xây dựng. Trường hợp từ chối thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Theo ông Nguyễn Kim Đức, Trưởng phòng Giám định 2, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, có thể thấy rằng giám định tư pháp là một loại hoạt động bổ trợ tư pháp, và là công cụ quan trọng phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử; góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Giám định tư pháp về bản chất là kết luận chuyên môn ở các lĩnh vực trên thực tế như xây dựng, tài chính, văn hóa… nhằm phục vụ cho công tác tố tụng.

Về cơ bản quá trình giám định tư pháp bao gồm các bước: Lựa chọn cá nhân, tổ chức giám định, tiếp nhận trưng cầu giám định, tổ chức thực hiện giám định tư pháp, lập báo cáo giám định và tham gia quá trình tố tụng khi được triệu tập.

Như vậy ngoài việc tham gia quá trình tố tụng thì các bước còn lại về cơ bản giống như quá trình thực hiện một dịch vụ chuyên ngành, tuy nhiên trong hoạt động tố tụng nó có sự khác biệt nhất định, ví như trong lĩnh vực xây dựng.

Vũ Chiến

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/giam-dinh-tu-phap-trong-hoat-dong-xay-dung-phuc-vu-dac-luc-cho-cong-tac-to-tung.html