Giám định viên: Vô cảm là tội ác

Giám định tư pháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, kết quả giám định nhiều khi mang tính quyết định đối với việc giải quyết án. Nhưng thực tế, công tác này đang có nhiều bất cập như mổ xẻ của các chuyên gia tại một hội thảo quốc tế về cải cách tư pháp diễn ra tại Hà Nội mới đây.

Nhận xét về công tác giám định tư pháp, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng ngoài yếu tố cơ sở vật chất-kỹ thuật thì yếu tố mang tính quyết định là con người, trong đó lương tâm và trách nhiệm cần đặt lên hàng đầu.

Thêm chủ thể được trưng cầu giám định

Theo luật sư Thiệp, thực tế đã có không ít những trường hợp giám định viên thể hiện sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, không cần biết hậu quả như thế nào trước kết luận giám định của mình. Rất tiếc là có trường hợp tòa án đã dùng kết luận giám định đó làm căn cứ cơ bản để kết tội các bị cáo.

“Như vậy, cần thiết phải điều chỉnh các quy định, đặt ra các yêu cầu cụ thể trong việc giáo dục, đào tạo, rèn luyện phẩm chất đạo đức của giám định viên nói chung. Việc này sẽ tránh được những hậu quả không đáng có từ công tác giám định tư pháp và đảm bảo nhân quyền, tính thượng tôn pháp luật” - luật sư Thiệp nói.

Cũng theo luật sư Thiệp, pháp luật hiện hành cho thấy người tham gia tố tụng chỉ có quyền đưa ra yêu cầu giám định tư pháp, còn chấp nhận hay không và đặc biệt là quyền trưng cầu thuộc về các cơ quan tố tụng. Trong khi đó, pháp luật tố tụng không quy định các điều kiện cụ thể như thế nào thì buộc các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng phải chấp nhận yêu cầu hoặc ban hành quyết định trưng cầu giám định.

“Quy định như vậy còn mang tính tùy nghi, tạo đặc quyền cho các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng, cản trở đương sự, bị can, bị cáo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Vấn đề này cần được xem xét thấu đáo để điều chỉnh trong các bộ luật tố tụng cũng như Luật Giám định tư pháp sắp ban hành”- luật sư Thiệp nói.

Ông Michel Bonnieu (thẩm phán điều tra cao cấp của Pháp) cho biết: Ở Pháp, chủ thể được trưng cầu giám định tư pháp mở rộng hơn. Cụ thể, đương sự trong các vụ án dân sự có quyền cung cấp ý kiến của các chuyên gia giám định. Các bên thường yêu cầu tòa án chỉ định một chuyên gia có chất lượng, đồng thời phải tự chi trả tạm ứng. Tòa án sẽ phải chấp thuận yêu cầu trưng cầu ý kiến chuyên gia về các vấn đề kỹ thuật của đương sự trước khi đưa ra phán quyết. Sau khi giải quyết xong vụ án, bên thua kiện sẽ phải chịu toàn bộ chi phí liên quan, bao gồm cả chi phí giám định.

Công tác giám định tư pháp còn nhiều hạn chế, yếu kém như hệ thống tổ chức giám định tư pháp chưa hoàn thiện, cơ sở vật chất thiếu thốn, kết luận giám định tư pháp một số trường hợp chưa thật sự chính xác, khách quan, gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng, thậm chí làm việc giải quyết một số vụ án trọng điểm bị kéo dài.

(Theo Chỉ thị 1958 ngày 25-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ)

Một số chuyên gia khác cũng ủng hộ việc mở rộng đối tượng có quyền trưng cầu giám định tư pháp. Cạnh đó, họ cho rằng cần thiết phải xây dựng mô hình giám định ở cấp huyện để đảm bảo giải quyết án kịp thời, khách quan.

Nâng chất giám định viên

Theo Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) Ngô Tiến Quý, Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định để bổ nhiệm giám định viên tư pháp phải có trình độ đại học trở lên, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn theo ngành đã học từ năm năm trở lên... Tuy nhiên, hiện nay việc đánh giá năng lực, chất lượng hoạt động của tổ chức giám định và giám định viên lại chưa dựa vào một quy chuẩn nào.

So sánh, ông Michel Bonnieu nói quá trình tuyển chọn chuyên gia giám định ở Pháp rất quy củ, bài bản. Người có đủ tiêu chuẩn, mong muốn trở thành chuyên gia giám định phải nộp đơn yêu cầu. Ứng viên phải chứng minh trước cơ quan tuyển chọn là mình có đủ kỹ năng, kinh nghiệm để đưa ra được ý kiến chuyên môn về một vấn đề kỹ thuật cụ thể trong quá trình giải quyết một vụ án.

Ông Michel Bonnieu cho rằng: Trước khi thực thi công vụ, một chuyên gia giám định được bổ nhiệm bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tuyên thệ trước tòa án hoặc có văn bản tuyên thệ là mình sẽ chỉ tuân thủ theo pháp luật và thi hành pháp luật trung thực nhất.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 1958 yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Luật Giám định tư pháp trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành.

Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải thực hiện chỉ thị về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, nắm rõ về số lượng và chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý; lựa chọn, thu hút các chuyên gia giỏi để bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp...

Chấp nhận chuyên gia giám định riêng

Tại Anh, một chuyên gia có thể được phép xuất hiện như một chuyên gia giám định thay mặt cho bên đã thuê mình mặc dù tính thuyết phục của chứng cứ dưới dạng này có thể giảm giá trị. Trường hợp các bên có chuyên gia riêng của mình, tòa án được trao quyền kiểm soát thảo luận của các chuyên gia đưa ra trong phiên tòa và hướng dẫn họ trình bày vấn đề.

Các bên không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận của các chuyên gia đưa ra trong phiên tòa trừ khi họ chấp thuận. Tuy nhiên, ngay cả trường hợp các bên không đồng ý bị ràng buộc, tòa án vẫn có thể chấp nhận ý kiến đồng thuận của các chuyên gia.

Ông ROBERT BLAND, công tố viên cao cấp của hoàng gia Anh

Từ chối, phải giải thích rõ

Trong vụ án hình sự, quyền triệu tập chuyên gia giám định không phải là đặc quyền của cơ quan điều tra mà các bên trong vụ án cũng có quyền này. Quyền quyết định khi đó sẽ thuộc về thẩm phán điều tra hoặc công tố viên.

Trong trường hợp từ chối yêu cầu triệu tập chuyên gia giám định, công tố viên hoặc thẩm phán phải giải thích rõ lý do bằng văn bản. Văn bản giải thích này cũng có thể trở thành đối tượng của việc kháng cáo lên tòa án cấp phúc thẩm.

Ông MICHEL BONNIEU, thẩm phán điều tra cao cấp của Pháp

THANH LƯU

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20101028122955879p0c1063/giam-dinh-vien-vo-cam-la-toi-ac.htm