Giám đốc BV Quân y 110 bị bắt: Cán bộ được cấp bằng có bị xử lý?
Những vụ án liên quan đến việc cấp bằng cấp không đúng quy trình, quy định thường sẽ có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân.
Mới đây, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố, bắt tạm giam đại tá Diêm Đăng Thanh - Giám đốc Bệnh viện Quân y 110 để điều tra về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự. Cùng bị khởi tố, bắt giam còn có ông Ngô Mạnh Trí - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y - Dược ASEAN.
Ông Diêm Đăng Thanh, ông Ngô Mạnh Trí có sai phạm liên quan đến việc đào tạo và cấp bằng cao đẳng điều dưỡng của Trường Cao đẳng Y - Dược ASEAN cho cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Quân y 110, Quân khu 1. Đây là vụ án được đánh giá là phức tạp và được dư luận xã hội quan tâm.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cùng với việc khởi tố đại tá Diêm Đăng Thanh và ông Ngô Mạnh Trí về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cũng cho biết đây là một vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Do đó, sẽ tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" nêu rõ: “Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm”. Đây cũng là mức mà ông Thanh và ông Trí đối mặt khi các cơ quan tố tụng có đủ căn cứ kết tội.
Theo luật sư Cường, trong vụ án này, cả hai bị can gồm Giám đốc Bệnh viện Quân y 110 và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y - Dược ASEAN đều bị khởi tố về một tội danh nên sẽ phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý như nhau. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò của từng bị can đối với việc thực hiện hành vi phạm tội để cá biệt hóa vai trò đồng phạm, làm rõ tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và các yếu tố khác có liên quan đến việc quyết định tội danh và hình phạt.
Luật sư Cường cho rằng, thông thường đối với những vụ án có liên quan đến việc cấp bằng cấp, chứng chỉ không đúng quy trình, quy định sẽ có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Quy trình để cấp ra bằng cấp, chứng chỉ sẽ qua nhiều khâu, nhiều người thực hiện.
Bởi vậy, trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy có nhiều người cùng biết hành vi là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi thì sẽ xác định là vụ án có đồng phạm, tất cả những người tham gia vào các khâu trong quá trình đào tạo, cấp bằng nhận thức được hành vi của mình là sai phạm nhưng vẫn cố ý thực hiện thì sẽ đều bị xử lý với vai trò đồng phạm và thường sẽ được xác định là phạm tội có tổ chức.
Luật sư Cường cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hoạt động đào tạo của trường cao đẳng này được thực hiện như thế nào, việc cấp bằng có đúng quy định pháp luật hay không. Trường hợp kết quả điều tra cho thấy trường này đã vi phạm về quy trình đào tạo, không tổ chức đào tạo nhưng vẫn cấp bằng cho các học viên, hành vi còn có dấu hiệu của tội giả mạo trong công tác, những người cấp bằng không đúng quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo quy định tại điều 359 bộ luật hình sự.
Theo đó, người làm ra tài liệu, giấy tờ giả mà có chức vụ quyền hạn sẽ bị xử lý về tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 BLHS. Còn người không có chức vụ quyền hạn mà làm ra giấy tờ tài liệu giả mạo sẽ bị xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức theo Điều 341 BLHS với những tội danh và mức chế tài khác nhau theo quy định của bộ luật hình sự hiện hành.
Luật sư Cường cho rằng, lĩnh vực y tế là lĩnh vực đặc thù có liên quan đến sức khỏe nhân dân. Tính chất đặc thù đòi hỏi những người hoạt động trong lĩnh vực này phải có đạo đức cao, phải trung thực, tận tụy, liêm chính để phục vụ nhân dân, xứng đáng với sự tôn kính của cả xã hội, với vị thế của người thầy: "thầy thuốc". Việc đào tạo cán bộ trong ngành y tế đòi hỏi rất thận trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo nguồn lao động có chất lượng, đảm bảo tính mạng sức khỏe của người bệnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng học giả, thi giả nhưng cấp bằng thật làm giảm sút chất lượng nguồn nhân lực, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối liên quan giữa Trường Cao đẳng Y - Dược ASEAN và đốc Bệnh viện Quân y 110 để xác định hành vi phạm tội của các bị can. Đồng thời làm rõ tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, xác định hậu quả mà các bị can đã gây ra đối với xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, vụ án hiện đang trong quá trình điều tra, sau khi kết thúc điều tra thì hồ sơ sẽ chuyển cho VKS để truy tố và tòa án mới có thẩm quyền quyết định bị cáo nào phạm tội, phạm tội gì và mức hình phạt ra sao. Trường hợp có căn cứ kết tội các bị cáo, khi lượng hình, tòa án sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt.
Mời độc giả xem thêm video Truy tố 10 bị can trong vụ cấp bằng giả tại trường đại học Đông Đô: