Giám đốc Công an Hà Nội: Công nghệ tạo ra kẽ hở để ma túy dễ xâm nhập hơn

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, ma túy không chừa bất cứ ai và có nguy cơ ma túy ở trong chính bộ máy Nhà nước.

Tội phạm ma túy là tội phạm nguồn

Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về 3 nội dung chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Đại biểu đoàn Hà Nội, Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh ma túy không chỉ là tệ nạn mà là hiểm họa ở Việt Nam và cả toàn cầu.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Giám đốc Công an TP Hà Nội tham góp ý kiến.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Giám đốc Công an TP Hà Nội tham góp ý kiến.

Ma túy đi vào mọi ngõ ngách đời sống, không chừa bất cứ ai từ trí thức, văn nghệ sĩ, người lao động, công nhân, nông dân nếu chúng ta mất cảnh giác, thích cảm giác lạ.

Nêu ví dụ tại Campuchia đang có chiến dịch phòng chống ma túy ngay trong bộ máy Nhà nước, trung tướng Hải Trung cho rằng trong chính bộ máy Nhà nước cũng có nguy cơ ma túy.

Hơn nữa, lịch sử phát triển của ma túy diễn ra liên tục. Trước đây, thuốc phiện phải dùng bàn đèn nên việc tổ chức hút rất phức tạp nhưng bây giờ, có thể hút, ăn, ngửi, hít, thậm chí chỗ nào cũng dùng được ma túy.

Ở những đô thị lớn, nhiều đối tượng còn thuê hẳn chung cư chỉ để tổ chức, sử dụng ma túy dù để vào được các khu chung cư đó rất ngặt nghèo, không phải ai cũng vào được.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, hoạt động buôn bán ma túy lại ngày càng dễ hơn. Công nghệ đã tạo kẽ hở để rút ngắn chi phí, tiếp cận nhanh.

Ma túy không chỉ hủy hoại tinh thần, thể xác, sức lao động mà còn làm băng hoại cả quốc gia, dân tộc; có cả các thế lực dùng ma túy để nô dịch một dân tộc, quốc gia.

Theo ông, lực lượng công an coi tội phạm ma túy là tội phạm nguồn vì từ ma túy sinh ra cướp giết, trộm cắp, lừa đảo. 40% đối tượng nghiện ma túy là không nghề nghiệp và nghề nghiệp không ổn định.

"Khi không có thu nhập, để có tiền dùng ma túy thì các đối tượng nghiện phải trộm cắp, cướp giết, thậm chí giết bố, mẹ, anh, vợ, chồng. Những kẻ phản động sử dụng chính những đối tượng ma túy để gây rối, thực hiện hành vi phản động. Chỉ cần cho hút hít là những đối tượng này không còn sợ gì", theo ông Trung.

Nhấn mạnh hiểm họa ma túy là khôn lường, Trung tướng Công an cho rằng vấn đề đặt ra là cách phòng chống triệt để ma túy. Và đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là sự nghiệp toàn dân. Lực lượng công an chỉ là phòng chống tội phạm ma túy.

Ông chỉ ra chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy không phải bây giờ mới đặt ra nhưng kết quả trước đó chưa được như mong muốn, thậm chí có những vấn đề còn phức tạp hơn, trên cả ba mặt giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; rất nhiều chỉ tiêu đặt ra nhưng không đạt được.

Liên quan tới ba chỉ tiêu cụ thể này, theo ông, Bộ Công an đang chỉ đạo tập trung mục tiêu giảm cầu vì không có cầu thì sẽ giảm cung, phòng ngừa là chính.

Song, thực tế, hoạt động buôn bán ma túy lợi nhuận rất lớn nên các đối tượng buôn bán ma túy không bao giờ từ bỏ, thậm chí còn cố tình tạo ra cầu như rủ rê, chiêu đãi, lôi kéo, cho sử dụng trước qua nhiều đường (ăn, uống…).

Dự báo tình hình ngày càng phức tạp, trước đây buôn bán theo cân, lạng thì giờ theo tấn, tạ. Trước đây chỉ đi theo đường bộ, còn giờ đi theo đường biển, sông, hàng không. Trước đây phải giao dịch mua bán gặp nhau trực tiếp, giờ thì không cần gặp. Trước kia chỉ có cocaine, heroin, thuốc phiện thì giờ là ma túy tổng hợp. Nhiều khi chỉ là những chất rất bình thường nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo ra ảo giác.

Do đó, để xử lý giải quyết, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng bên cạnh quyết tâm chính trị, cần phải có biện pháp rất mạnh và trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị, cần đổi mới phương pháp cách thức làm, phân cấp, phân quyền.

Lấy ví dụ quyết tâm của TP Hà Nội, ông cho biết, vừa qua HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết hỗ trợ hàng tháng cho các lực lượng làm công tác phòng chống ma túy, kể cả viện kiểm sát, tòa án, hải quan, lao động thương binh xã hội, lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy, mỗi tháng 3,6 triệu đồng/người.

Ông bày tỏ hoàn toàn đồng ý phải có chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy, trong dự thảo đã đề ra rất nhiều nhiệm vụ giải pháp, phân cấp phân quyền.

Tuy nhiên, để xử lý, giải quyết triệt để trong thời gian ngắn là rất khó và cần kiên trì, kiên định.

Thuốc lá thế hệ mới là con đường dễ nhất đến với ma túy

Góp ý tại tổ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, trong chương trình này cần tập trung hơn vào phòng ma túy. Việc phòng ma túy rất quan trọng, cần thiết và hiệu quả.

Theo đại biểu, hiện có nhiều phương thức bán, lưu thông, phân phối ma túy khác nhau. Cách chủ yếu, trực tiếp nhất là qua mạng. Phương thức này càng ngày càng phức tạp và khó khăn.

"Vấn đề phối trộn ma túy, thuốc lá thế hệ mới làm ma túy thâm nhập vào dễ nhất, nhanh nhất và có tác hại nhất", đại biểu chỉ rõ.

Do đó, ông rất mong Bộ Công an, cả xã hội cần quan tâm đến thuốc lá thế hệ mới. Đây là loại thuốc lá ngày càng phổ biến, là con đường đến với ma túy dễ nhất và rất nguy hiểm.

Qua nghiên cứu dự thảo, đại biểu thấy rằng cần ưu tiên cho truyền thông để phòng chống ma túy.

Còn theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn Hà Nội), với sự vào cuộc của lực lượng công an, biên phòng đã khám phá, triệt tiêu được nhiều ổ nhóm ma túy từ nước ngoài chuyển vào và vận chuyển trong nước.

Tuy nhiên theo đại biểu, ma túy vẫn len lỏi trong cuộc sống hàng ngày. Ma túy ngày càng tinh vi, phức tạp không chỉ ở trung niên mà cả lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Trong đó đại biểu cho rằng thuốc lá điện tử là biến dạng của ma túy.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) góp ý tại tổ.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) góp ý tại tổ.

"Sáng nay vô tình khi đi đến ngã tư Đại Cồ Việt, lúc dừng đèn đỏ chúng tôi thấy 2 em nhỏ chỉ hơn chục tuổi cầm 2 điếu thuốc lá. Nhỏ như vậy mà các em đã sử dụng thuốc lá", đại biểu dẫn chứng.

Cũng theo vị đại biểu, ngay trong khu dân cư, trong chùa nhiều khi bắt được các em vào cạy hòm công đức lấy tiền và chỉ trả lời mỗi câu nghiện ma túy.

"Do các em còn nhỏ nên không nỡ làm gì và chỉ cảnh cáo không được làm thế nữa. Bởi nếu có đưa ra công an thì cũng chỉ sau 24 giờ là các em này được về", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.

Đại biểu nhấn mạnh ma túy gây bất ổn, mất bình an, sinh ra nhiều vụ án cũng là từ ma túy. Có thể kể đến các vụ cướp tiệm vàng, chém giết, con giết cha, cháu giết bà, anh em giết nhau cũng từ ma túy.

Việc Chính phủ đề cập trong dự thảo giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại là rất đúng. Nước ta đang xây dựng trật tự kỷ cương thì phải quan tâm từ gia đình, phường xã, nhà trường.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giam-doc-cong-an-ha-noi-cong-nghe-tao-ra-ke-ho-de-ma-tuy-de-xam-nhap-hon-192241108164001197.htm