Giám đốc HTX Hồng Xuân Phạm Văn Dũng: Vượt khó, đưa nông sản vươn xa

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ Hồng Xuân, huyện Lục Ngạn (gọi tắt là HTX Hồng Xuân) là đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có sản phẩm vải thiều đạt chứng nhận OCOP 5 sao đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của tỉnh Bắc Giang. Đóng góp vào thành tích nổi bật đó có vai trò của anh Phạm Văn Dũng (SN 1978), Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX.

"Sợi dây" liên kết thành viên

Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ với “thủ lĩnh” HTX Hồng Xuân tại nhà riêng, cũng là trụ sở của HTX. Ấn tượng đầu tiên là căn phòng gọn gàng, treo kín giấy khen, bằng khen, cờ thi đua của tập thể HTX và cá nhân anh Phạm Văn Dũng. Vị Giám đốc HTX có vóc dáng nhỏ nhắn, nụ cười đôn hậu. Mở đầu câu chuyện, anh kể năm 2008 cùng 7 thành viên trong Câu lạc bộ VAC thôn Kép 1, xã Hồng Giang thành lập HTX Hồng Xuân chuyên sản xuất, tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y. Anh muốn gắn kết những hộ làm nông nghiệp để cùng nhau xây dựng thương hiệu, đưa nông sản địa phương, đặc biệt là vải thiều vươn xa.

 Anh Phạm Văn Dũng (ngoài cùng bên phải) kiểm tra hoạt động

Anh Phạm Văn Dũng (ngoài cùng bên phải) kiểm tra hoạt động

Thời gian đầu, HTX gặp nhiều khó khăn. Khi HTX mới hoạt động vài tháng cũng là thời điểm huyện Lục Ngạn hứng chịu trận lụt lịch sử, mọi tài sản của HTX trôi theo dòng nước. Lúc đó, anh Dũng với trách nhiệm của người “đứng mũi chịu sào” đã động viên xã viên đồng lòng, tiếp tục huy động vốn vay, cùng nhau khởi nghiệp lần 2. Ngay từ sớm, Giám đốc HTX Hồng Xuân đã nhận thấy làm nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, theo tính thời vụ, dễ rủi ro. Vì thế, để sản xuất, kinh doanh liên tục, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường cao cấp thì cách tốt nhất là đẩy mạnh liên kết, tạo vùng nguyên liệu rộng lớn.

Nghĩ là làm, anh cùng Ban Giám đốc HTX đi đến nhiều nhà vườn khảo sát, đề nghị liên kết sản xuất. Trong nội dung hợp tác, HTX cam kết chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các thành viên. Nhờ đó, từ 8 thành viên với 20 ha trồng vải, cam, bưởi ban đầu, đến nay, HTX đã có 18 thành viên chính thức cùng hơn 100 thành viên liên kết ở trong và ngoài tỉnh; tổng diện tích trồng cây ăn quả, rau màu hơn 180 ha. Đặc biệt, HTX có 100% diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Các thành viên đều chú trọng sản xuất an toàn, cam kết cung cấp sản phẩm chất lượng. Mỗi năm, HTX tiêu thụ hơn 4 nghìn tấn nông sản các loại (vải, cam, bưởi, nhãn…). Toàn bộ nông sản đều được cung cấp, phân phối tới các siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố và xuất khẩu. Ngoài trồng trọt, anh còn đồng hành với các thành viên chăn nuôi gà sinh sản. Mỗi năm, các hộ cung cấp ra thị trường hơn 90 vạn con gà giống áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Tổng doanh thu của HTX mỗi năm khoảng 30 tỷ đồng.

Hành trình xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao

Tháng 6/2024, vải thiều Lục Ngạn của HTX Hồng Xuân vinh dự được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp T.Ư công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao. Đây là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bắc Giang đến thời điểm này, cũng là một trong số rất ít nông sản tươi chưa qua chế biến của cả nước đạt 5 sao. Anh Dũng chia sẻ, tại thủ phủ cây ăn trái Lục Ngạn, vải thiều là sản phẩm có thương hiệu, tính cạnh tranh, lợi thế cao nên được các cấp, ngành, địa phương và HTX Hồng Xuân lựa chọn để xây dựng OCOP 5 sao. Trước tiên, HTX đã xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn, chất lượng.

Tháng 6/2024, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn của HTX Hồng Xuân vinh dự được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp T.Ư công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao. Đây là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bắc Giang đến thời điểm này, cũng là một trong số rất ít nông sản tươi chưa qua chế biến của cả nước đạt 5 sao.

Sản phẩm OCOP 5 sao cần đáp ứng nhiều tiêu chí như: Là sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, hội tụ đủ điều kiện xuất khẩu. Để đạt được các tiêu chí này là cả một quá trình vất vả, thực hiện từng bước theo phương châm "làm đến đâu chắc đến đó". Cách đây hơn 10 năm, anh cùng các thành viên HTX nhận thức rõ chỉ có sản xuất an toàn mới nâng cao năng suất và phát triển bền vững. Hơn nữa được Nhà nước hỗ trợ, anh bắt đầu sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn xuất khẩu, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào các khâu, ghi sổ nhật ký theo dõi thường xuyên, tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật chăm sóc, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục khuyến cáo. Vì thế, diện tích trồng vải chất lượng cao tăng nhanh qua các năm.

Ngành chức năng quan tâm cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước. Đến thời điểm này, HTX có 120 ha vải được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Trung bình mỗi năm xuất khẩu 300-400 tấn vải thiều và phấn đấu số lượng tăng dần trong những năm tới.

HTX Hồng Xuân còn được tỉnh nhất trí cho tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025. Anh Dũng nắm bắt cơ hội này, xem đây là “cú hích” giúp HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Từ năm 2021 đến nay, HTX Hồng Xuân được thụ hưởng nhiều chính sách. Ví dụ như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư máy sấy lạnh, phương tiện vận tải hàng hóa; hỗ trợ bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc; xúc tiến thương mại… với tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng.

“Hành trình xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao vất vả, kéo dài nhiều năm nhưng thực sự có ý nghĩa với HTX của chúng tôi. Những mùa vụ tiếp theo, HTX tiếp tục duy trì nghiêm quy trình sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt với hệ thống máy móc, trang thiết bị tương đối đầy đủ, chúng tôi sẽ quan tâm chế biến sâu nông sản các loại để nâng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên”, Giám đốc HTX cho hay.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, tập thể HTX Hồng Xuân và cá nhân Giám đốc Phạm Văn Dũng có khát vọng vươn lên, tinh thần vượt khó, nhanh nhạy với thời cuộc. Điều này thể hiện rõ nhất trong quá trình xây dựng sản phẩm vải thiều đạt OCOP 5 sao. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, theo ông Thành, HTX mà người chịu trách nhiệm chính là Giám đốc HTX cần tiếp tục gắn kết chặt chẽ các thành viên, tranh thủ những điều kiện thuận lợi để không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Trong đó tập trung vào việc mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng, quan tâm chế biến sâu, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đồng hành với HTX trong hoạt động sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp sức giúp sản phẩm của HTX Hồng Xuân nói riêng, nông sản đặc trưng, tiềm năng của tỉnh nói chung vươn ra thị trường quốc tế.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/giam-doc-htx-hong-xuan-pham-van-dung-vuot-kho-dua-nong-san-vuon-xa-075613.bbg