Giám đốc ngân hàng Nga: Vị thế của đồng USD đang mờ nhạt

Theo Andrei Kostin - CEO ngân hàng VTB, hiện lớn thứ hai tại Nga, Nhân dân tệ đang phổ biến và nhiều nước cũng thanh toán bằng đồng tiền khác ngoài USD, euro.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Andrei Kostin cho biết chiến sự Nga - Ukraine đang tạo ra những thay đổi đáng kinh ngạc đối với kinh tế thế giới, làm giảm toàn cầu hóa trong bối cảnh Trung Quốc dần trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu.

Ông cũng cho rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ thiệt hại từ việc đóng băng hàng trăm tỷ USD tài sản của chính phủ Nga ở nước ngoài. Vì ngày càng nhiều nước đang thanh toán bằng đồng tiền khác ngoài USD và euro.

 Trong lịch sử, đặc quyền về vị thế tiền tệ dự trữ toàn cầu được dành cho những quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong lịch sử hiện đại chỉ có hai loại tiền tệ như vậy—đồng bảng Anh từ đầu những năm 1800 cho đến Thế chiến thứ hai và đồng USD của Mỹ kể từ đó đến nay. Ảnh: Internet.

Trong lịch sử, đặc quyền về vị thế tiền tệ dự trữ toàn cầu được dành cho những quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong lịch sử hiện đại chỉ có hai loại tiền tệ như vậy—đồng bảng Anh từ đầu những năm 1800 cho đến Thế chiến thứ hai và đồng USD của Mỹ kể từ đó đến nay. Ảnh: Internet.

"Lịch sử thống trị suốt thời gian dài của USD sắp chấm dứt. Trung Quốc cũng sẽ gỡ bỏ dần các hạn chế về tiền tệ. Họ hiểu rằng mình không thể trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới nếu Nhân dân tệ vẫn là đồng tiền không được tự do chuyển đổi", Kostin nói.

Năm 2022, khi Mỹ và các nước phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt với Nga nhằm phản ứng với cuộc chiến tranh ở Ukraine, Moscow và Chính phủ Trung Quốc đã "bắt tay" nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và thiết lập hợp tác hệ thống tài chính hai nước. Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào cuối tháng 2/2022, thương mại bằng đồng Rúp và Nhân dân tệ đã tăng gấp 80 lần.

Bên cạnh đó, nhiều nguồn tin cho rằng vị thế của đồng bạc xanh đang dần mờ nhạt. Cụ thể, tỷ lệ đồng USD trong dự trữ ngoại hối chính thức đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm là 58% trong quý 4.2022, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Stephen Jen - Giám đốc điều hành của Eurizon SLJ Capital Limited - cho biết sự thay đổi này rõ rệt hơn khi điều chỉnh tỉ giá hối đoái.

“Những gì đã xảy ra vào năm 2022 là tỉ trọng đồng USD giảm mạnh theo giá trị thực. Đây là phản ứng đối với việc đóng băng một nửa trong số 640 tỉ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine”, ông nói.

Đồng thời cho rằng điều đó làm dấy lên cân nhắc ở các quốc gia như Saudi Arabia, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ về việc đa dạng hóa các loại tiền tệ khác.

Không chỉ vậy, trong thương mại, vị thế của đồng USD cũng đang bị lu mờ dần. Ấn Độ đang mua dầu của Nga bằng đồng Rúp và đồng Dirham của UAE. Trung Quốc chuyển sang Nhân dân tệ để mua dầu, than và kim loại trị giá 88 tỉ USD của Nga.

Theo Reuters, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ấn Độ hiện đang thảo luận về việc sử dụng đồng Rupee trong giao thương hàng hóa phi dầu mỏ, giảm phụ thuộc vào USD.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong 48 năm, Saudi Arabia cho biết sẵn sàng giao dịch dầu mỏ bằng các tiền tệ khác bên cạnh USD.

Ngoài ra, năm 2022, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là của Nga và Trung Quốc đã mua vàng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1967 nhằm đa dạng hóa dự trữ, giảm phụ thuộc vào đồng USD. Những tháng gần đây, Brazil và Argentina đã thảo luận về việc tạo ra một đồng tiền chung của hai nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ.

Tuy nhiên, bất chấp những động thái này, nhiều người cho rằng vị thế thống trị của đồng USD sẽ chưa thể chấm dứt trong tương lai gần. Hiện tại, các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn nắm giữ khoảng 60% dự trữ ngoại hối bằng đồng USD.

Khánh Vy (Theo Reuters, AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giam-doc-ngan-hang-nga-vi-the-cua-dong-usd-dang-mo-nhat-post251176.html