Giám đốc Nông nghiệp BaF: Giá heo cao cũng không có nguồn để bán

Theo ông Ngô Cao Cường, Giám đốc Tài chính Nông nghiệp BaF, giá heo hơi có xu hướng tiến lên khoảng 70.000 đồng/kg cho đến hết quý II. Hiện tại thị trường không có heo giống hay heo cai sữa để tái đàn, nên giá khó giảm được.

CTCP Nông nghiệp BAF (Mã: BAF) vừa có buổi chia sẻ đến nhà đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh quý I. Đại diện công ty cũng đưa ra dự báo giá heo hơi trên thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng.

Ông Ngô Cao Cường, Giám đốc Tài chính cho biết thời điểm hiện tại, giá heo đang tăng tốt, nếu duy trì như vậy sẽ lên khoảng 70.000 đồng/kg cho đến hết quý II. Diễn biến giá heo hơi tăng được lý giải đến từ nguồn cung. Các ông lớn chăn nuôi trên thị trường đang phải nhập heo giống với chi phí cao vì ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi (ASF).

“Con số thống kê số lượng ảnh hưởng có thể lên đến 1 triệu heo vì dịch. Đặc điểm của dịch bệnh là nếu 1 con mắc bệnh, có thể cả trại phải hủy nếu cách ly không tốt. Đó là lý do BaF phải yêu cầu cách ly rất nghiêm ngặt khi ý thức được sự nguy hiểm. Nếu mất 1 trại, vốn bỏ ra là rất lớn”, ông Cường chia sẻ.

Đại diện công ty nhận định giá heo dù cao cũng không có nguồn cung để bán. Người nông dân hoặc doanh nghiệp muốn tái đàn cần chờ đến tháng 12 mới bán được, vì heo còn phải nuôi. Hiện tại không có heo giống hay heo cai sữa để tái đàn, nên giá khó giảm được.

Mức giá 70.000 đồng/kg heo hơi được dự báo sẽ được duy trì trong quý II và suốt cả năm. Cuối năm giá có thể giảm xuống 67.000 - 68.000 đồng/kg, nhưng thời điểm cận Tết Nguyên đán sẽ tăng lại lên lại 70.000 đồng/kg.

(Nguồn: BaF).

(Nguồn: BaF).

Trong quý I, với giá 55.000 – 56.000 đồng/kg, biên lợi nhuận của BaF đã khả quan. Tuy nhiên, chỉ tiêu này còn mở rộng hơn nhờ mức giá heo hơi hiện tại.

Theo vị CFO cập nhật, tại ngày 16/5, giá heo hơi trung bình cả nước là 64.400 đồng/kg, nhưng có nơi cao nhất lên tới 67.000 đồng/kg.

Nhận định về tổng quan ngành chăn nuôi heo, ông Cường cho biết xu thế thị trường hiện tại đang khiến các hộ nhỏ lẻ dần thu hẹp lại.

Khi giá heo thấp, người dân không đủ vốn nên không thể tái đàn, do đã dồn vào vụ trước và chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Hơn nữa, nếu muốn chăn nuôi theo công nghiệp, nông dân phải đầu tư bài bản, bỏ ra số tiền lớn (gần 200 tỷ đồng) để xây chuồng trại sinh học. Nếu tự làm, không đạt chuẩn, thiệt hại từ dịch bệnh có thể mất trắng, không thể tái đàn, khiến nguồn cung khan hiếm. Lúc này, những bên chăn nuôi công nghiệp sở hữu nguồn cung cho thị trường.

Ở khía cạnh khác, hiện đã có nhiều doanh nghiệp FDI đang muốn bán luôn mảng chăn nuôi. Ông Cường nhìn nhận nhóm này có vốn lớn, nếu lỗ vẫn bù lại được từ mảng thức ăn chăn nuôi (Feed). Tuy nhiên, không thể tránh dần bị các nhóm doanh nghiệp bài bản cạnh tranh.

Do vậy, về phía mình, BaF đã phải liên tục gia tăng quy mô trại, tăng tốc để đạt mục tiêu 6 triệu con tổng đàn vào năm 2030 nhằm đáp ứng nguồn cung thị trường.

Ông Cường nhắc lại câu chuyện của công ty Muyuan tại Trung Quốc. Đây là doanh nghiệp bán heo giết mổ lớn nhất thế giới. 4 - 5 năm trước quy mô Muyuan nhỏ hơn BaF bây giờ. Tuy nhiên, đến 2023, đơn vị này đã bán 61 triệu con, tức gấp 10 lần BaF nếu đạt được mục tiêu năm 2030 (6 triệu con).

Hơn nữa, bình quân tiêu thụ đầu người chỉ khoảng 30-33 kg/người/năm. Nhưng tại Trung Quốc, con số bình quân tiêu thụ này là 53-55 kg/người/năm. Như vậy, dư địa 20 kg còn lại là rất lớn, và là tiềm năng để ngành chăn nuôi phát triển.

Mặt khác, ngày 1/1/2025 Luật Chăn nuôi mới sẽ đi vào thực hiện. Luật này nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; quy định về quy mô, mật động, khoảng cách chăn nuôi theo từng vùng miền. Theo đó, hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước phải di dời ra khỏi các khu vực dân cư hoặc ngừng hoạt động. Theo ông Cường, điều này đồng nghĩa với nguồn cung sẽ giảm rất mạnh.

Về tình hình sản xuất kinh doanh quý I, BaF đã đưa vào vận hành 1 cụm trang trại Hải Đăng (quy mô 5.000 nái, 60.000 heo thịt), trang trại Tân Châu (30.000 heo thịt), trang trại Tâm Hưng (5.000 nái). Công ty cũng khởi công trại Tây An Khánh (60.000 thịt tại Tây Ninh), nâng cấp nhà máy cám Tây Ninh giai đoạn 2.

Tổng đàn hiện đạt 430.000 con, heo thương phẩm 1 triệu con. Năm 2024, BaF dự kiến sản lượng heo tiêu thụ đạt khoảng 610.000 con và doanh số bán heo 3.400 tỷ đồng. Số lượng trại đưa vào vận hành giai đoạn 2024-2025 dự kiến là 18 trang trại khắp cả nước.

Trong quý I, doanh thu BaF đạt 1.292 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế 138 tỷ đồng, bỏ xa con số 4 tỷ đồng của quý I/2023. Cơ cấu doanh thu gồm 59% từ nông sản, còn chăn nuôi chiếm 41%.

 Dự phóng doanh số và sản lượng heo của BaF. (Nguồn: BaF)

Dự phóng doanh số và sản lượng heo của BaF. (Nguồn: BaF)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/giam-doc-nong-nghiep-baf-gia-heo-cao-cung-khong-co-nguon-de-ban.html