Giám đốc sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam chỉ ra những 'bẫy lừa' mang tên 'đầu tư tài chính cùng Shark'
Chương trình đã thông tin cảnh báo và lên tiếng đến cộng đồng, khán giả trên Fanpage chính thức của Chương trình, và gửi thông tin đến báo chí để được hỗ trợ thông tin rộng rãi tuy nhiên rất nhiều nạn nhân bị lừa và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi.
Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỉ) mùa 7 đã khởi động và đi đến hồi kết, thông qua việc mạo danh người nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư như Shark Hưng, Shark Linh trong chương trình, nhiều fanpage đã được lập ra để lừa đảo bằng hình thức "đầu tư cùng các shark". Tuy nhiên, thực chất đây là những "bẫy lừa".
Lập hội nhóm trên mạng, mạo danh Shark Tank Việt Nam để lừa đảo
Trao đổi với phóng viên của báo Pháp luật Việt Nam, bà Lê Hạnh - Giám đốc sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2022, Shark Tank Việt Nam đã phát hiện trên nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook có một số trang giả mạo hình ảnh của Shark để đăng tải các đoạn video ngắn, hoặc hình ảnh, bài đăng chứa hoặc gắn kèm theo hình ảnh Shark tham gia chương trình Shark Tank nhằm kêu gọi mọi người đầu tư tài chính.
Sau khi tập hợp thông tin, đường dẫn giả mạo, chương trình đã thông tin cảnh báo và lên tiếng đến cộng đồng, khán giả trên Fanpage chính thức của Chương trình, và gửi thông tin đến báo chí để được hỗ trợ thông tin rộng rãi.
Bà Hạnh cho biết thêm, dù đã cảnh báo, thời gian gần đây 'chúng tôi nhận thấy vấn nạn các tài khoản mạng xã hội mạo danh người nổi tiếng để lừa đảo trực tuyến tiếp diễn ngày càng phức tạp trên không gian mạng. Có lúc, chúng tôi thống kê được gần 100 tài khoản mạng xã hội mạo danh các Shark, trong đó xấp xỉ 60 tài khoản mạng xã hội giả mạo Shark Hưng đơn cử như Shark Hưng - Đầu tư an toàn và hiệu quả 8.0; Shark Hưng - giải pháp tài chính; Shark Hưng - đầu tư tại nhà...
Ngay khi phát hiện các tài khoản giả mạo, chúng tôi đã tiến hành các biện pháp báo cáo với nền tảng, tuy nhiên biện pháp này không xử lý kịp tốc độ phát triển của các tài khoản giả mạo, báo cáo đóng được một kênh thì lập tức mọc lên 10 kênh giả mạo'.
Trên thực tế, đã có một số nạn nhân bị lừa đảo đã liên hệ với Shark Tank Việt Nam để thông tin làm rõ vụ việc, có nạn nhân bị lừa đảo nhiều lần với số tiền từ vài triệu lên đến vài chục triệu đồng. Vì thế, đại diện của Shark Tank Việt Nam khuyên các nạn nhân cần trình báo cho cơ quan công an để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Phản ánh từ nạn nhân
Đề cập đến trường hợp cụ thể mà mà chương trình đã nhận được phản ánh, bà Lê Hạnh - Giám đốc sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam cho biết, tháng 6/2024, chị N.T.P thông báo đã bị lừa đảo tổng số tiền lên đến 80 triệu đồng, số tiền được chuyển làm ba lần đến số tài khoản của công ty TNHH Award Enter VN tại một ngân hàng trong nước.
Qua tìm hiểu, một số thủ đoạn giả mạo lừa đảo trực tuyến thường là like Fanpage bình chọn, tiếp cận thông tin qua nền tảng Mạng xã hội Facebook giới thiệu việc làm tại nhà, thực hiện nhiệm vụ like và bình chọn cho các Shark để nhận tiền lương mỗi ngày.
Sau đó nạn nhân được yêu cầu nạp tiền theo hình thức chuyển khoản đến số TK của công ty TNHH Award Enter VN tại Ngân hàng để quy đổi điểm và nhận lại tiền gốc cùng hoa hồng.
Khi nhận được tiền, phía lừa đảo sẽ cung cấp bản cam kết hoàn vốn giả mạo con dấu, đồng thời giao nhiệm vụ tiếp theo. Những lần đầu, nạn nhân sẽ nhận được đầy đủ tiền gốc và hoa hồng nên tin tưởng thực hiện nhiệm vụ các lần tiếp theo, khi số tiền lên đến vài chục triệu đồng nhưng không nhận được tiền gốc và hoa hồng, thì nạn nhân mới phát hiện mình đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một cách lừa đảo khác cũng được chương trình nhắc đến đó là mời gọi tham gia đầu tư chứng khoán. Thông qua việc cắt ghép hình ảnh của các Shark vào trong clip quảng cáo gói đầu tư tài chính và phát tán trên không gian mạng internet như Youtube, Facebook.
Các đối tượng cũng giả mạo các fanpage, website dưới danh nghĩa của các Shark để kêu gọi tham gia đầu tư tài chính, tham gia nhóm và lớp học về đầu tư chứng khoán.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn chào mời các dịch vụ liên quan đầu tư chứng khoán như mở tài khoản, tiến hành giao dịch chứng khoán trên các ứng dụng đầu tư ảo và yêu cầu các cá nhân chuyển tiền đầu tư vào tài khoản của đối tượng giả mạo, góp vốn đầu tư và nhận hoa hồng.
Sau khi nhà đầu tư chuyển tiền vào tài khoản, toàn bộ số tiền của nhà đầu tư sẽ bị các đối tượng chiếm đoạt.
Hầu hết, các đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản mạng xã hội ẩn danh rất khó truy vết, phần lớn hoạt động có tổ chức nhưng chỉ liên lạc, móc nối qua không gian mạng, không tiếp xúc trực tiếp; sử dụng nhiều thủ đoạn giả mạo logo, con dấu giả mạo của nhiều tổ chức Đài truyền hình, chương trình, các tổ chức tài chính, đặc biệt là hình thức chuyển tiền qua ngân hàng… để tăng uy tín, đưa ra mức lãi suất, hoa hồng rất cao lên đến 10%/ngày để câu dẫn người dân.
Nhà sản xuất đã có hành động gì để ngăn chặn tình trạng này?
Theo bà Lê Hạnh, từ năm 2022 đến nay, Chương trình và các Shark đã nhiều lần thông tin cảnh báo trên các Fanpage chính thức có tick xanh của chương trình, các Shark, đồng thời đăng tải đưa tin cảnh báo về việc các tài khoản mạng xã hội mạo danh các Shark để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, các hình thức giả mạo lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều hơn, và tinh vi hơn, nên người dân cần nâng cao cảnh giác.
Chương trình Shark Tank Việt Nam mong rằng với sự quan tâm vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công An, sẽ có giải pháp vô hiệu hóa các tài khoản mạo danh lừa đảo trên mạng xã hội, để bảo vệ người dân, nhằm xây dựng một môi trường mạng an ninh cho người dùng, đồng thời tiếp nhận trình báo của nạn nhân, phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì vào cuộc điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Các nhà đầu tư online cần chú ý điều gì để tránh bị lừa?
Theo Giám đốc sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam, trước tiên, để bảo vệ chính mình, người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận được quảng cáo chào mời “đầu tư online”… từ các tài khoản mạng xã hội không có tick xanh của Facebook; đối với các tài khoản có tích xanh của Facebook đã được verify (xác thực) bởi nền tảng thì sẽ có khả năng xác minh, truy vết khi xảy ra vụ việc.
Cùng với đó, người dân không nghe những lời chào mời “đầu tư một vốn bốn lời”, “việc làm siêu lợi nhuận tại nhà”… những lời hứa hẹn lãi suất lên đến 10%/ngày là “miếng phô mai trong bẫy chuột” phổ biến để câu dẫn người dân.
Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi đề nghị việc làm tại nhà, đầu tư online cần hết sức thận trọng, rà soát kỹ thông tin, xác minh qua tiếp xúc thực tế tại những nơi có thể kiểm chứng được ví dụ văn phòng công ty hoặc một địa điểm giao dịch có đăng ký có bảng hiệu… trước khi tiến hành giao dịch trực tuyến.
Khi phát hiện bị lừa đảo hãy đến trình báo tại cơ quan công an để được tiếp nhận thông tin và hướng dẫn xử lý, đừng để vụ việc buông trôi, hãy lên tiếng để tố cáo tội phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng để góp phần ngăn chặn các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng.