Giám đốc Sở Du lịch: Tour ngắm cá voi sẽ kích cầu du lịch ở Bình Định

Theo Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, việc phát triển tour du lịch ngắm cá voi nếu được quản lý chặt chẽ, tôn trọng cơ sở khoa học sẽ kích cầu du lịch ở địa phương.

Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Bình Định - đã dành riêng cho VTC News một cuộc trao đổi xung quanh việc phát triển du lịch Bịnh Định liên quan đến sự xuất hiện thường xuyên của cá voi tại vùng biển Đề Gi..

Các tour du lịch ngắm cá voi nếu thiếu các biện pháp quản lý chặt chẽ sẽ có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả cá và khách tham quan. Nếu hiện tượng này cứ tiếp diễn, cá voi có thể bỏ đến khu vực khác hoặc có thể bị mắc cạn do căng thẳng và mất phương hướng..

Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Bình Định

- Việc cá voi xuất hiện liên tục những ngày qua tại vùng biển Đề Gi (xã Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định) và khu vực Vũng Bồi, Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành, Phù Mỹ, Bình Định) đã khiến các tour du lịch tự phát nở rộ, ông nghĩ sao về những hoạt động này?

Tất cả các hoạt động trên đều là tự phát, chưa được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể ở đây là Sở Du lịch.

Trên thực tế, sự xuất hiện của cá voi là niềm vui đối với địa phương, hiện tượng này thu hút khách du lịch đến Đề Gi để ngắm cá voi. Nếu được quản lý bảo vệ tốt, đây sẽ là một phương án tốt để kích cầu du lịch Bình Định. Tuy nhiên, phải có sự quản lý chặt chẽ.

- Có thông tin rằng ngành du lịch tỉnh Bình Định đã tính tới việc phát triển các tour du lịch theo thời điểm cá voi vào bờ săn mồi hàng năm. Điều này có chính xác không, thưa ông?

Vùng biển Bình Định, hầu như năm nào cũng có cá voi xuất hiện, nhưng thời gian rất ngắn. Riêng năm nay cá voi ở lại lâu hơn và có những thời điểm chúng bơi vào rất gần bờ.

Qua đó cũng cho thấy, môi trường biển ở đây có các yếu tố thuận lợi phù hợp nên thu hút các sinh vật biển nói chung và cá voi nói riêng.

Sở Du lịch cũng phối hợp đưa thông tin về sự kiện này trên phương tiện thông tin đại chúng để góp phần tạo sức hút của điểm đến du lịch Quy Nhơn - Bình Định. Đồng thời, đây cũng là hoạt động tuyên truyền đến du khách và người dân địa phương về việc bảo vệ cá voi, cũng như môi trường.

Nếu được quản lý, có phương án bảo vệ tốt, việc cá voi xuất hiện ở vùng biển Bình Định sẽ mang lại nguồn lợi không nhỏ từ hoạt động du lịch cho cộng đồng địa phương.

Cá voi vào vùng biển Bình Định săn mồi mang lại loại hình du lịch mới cho địa phương. Ảnh: Dũng Nhân

Cá voi vào vùng biển Bình Định săn mồi mang lại loại hình du lịch mới cho địa phương. Ảnh: Dũng Nhân

- Nếu việc phát triển các tour du lịch theo thời điểm cá voi vào bờ săn mồi hàng năm được thực hiện, theo ông, cần tính đến những vấn đề nào?

Việc mở tour du lịch xem cá voi là chuyện không mới ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng còn nhiều khó khăn, cần có hình thức quản lý phù hợp với loại hình này, phát triển du lịch theo hướng thân thiện với thiên nhiên.

Bên cạnh đó cần có phương án để người dân, hộ kinh doanh cam kết phải có ý thức bảo vệ môi trường biển, tránh xâm hại đến cá voi, bảo tồn loài động vật hoang dã này.

Đây là điểm cần tính toán và lưu ý nhất nhằm tạo ra sinh cảnh thuận lợi cho cá voi sinh sống lâu dài, không bỏ đi nơi khác. Từ đó du lịch ngắm cá voi mới có cơ hội phát triển bền vững.

- Nhiều người lo lắng việc xuất hiện các tour xem cá voi có thể làm hại đến loài động vật quý hiếm này cũng như du khách. Ông lý giải ra sao nếu vấp phải ý kiến phản đối?

Trong một số quan điểm truyền thống, cá voi là linh vật biểu tượng của sự may mắn, thiêng liêng. Hiện nay, có một số nước trên thế giới như: Thái Lan, Indonesia, Úc, Iceland và khu vực Nam Phi đã có những tour du lịch dành cho du khách đến xem cá voi.

Tôi có tìm hiểu và được biết anh Tom Grove - một tình nguyện viên tại Bảo tàng Cá voi Husavik (Iceland) - có chia sẻ rằng mỗi năm có khoảng 300.000 du khách đến đây xem cá voi. Sau khi ngắm cá voi, hầu hết mọi người thay đổi suy nghĩ, cho biết sẽ không ăn thịt loài vật này nữa.

Điều đó cho thấy, qua các tour du lịch trải nghiệm sẽ giúp người dân và du khách tăng ý thức bảo vệ cá voi, cũng như môi trường sống của chúng. Nếu ta làm tốt vấn đề này thì ý kiến phản đối không còn là điều đáng lo ngại.

Hai mẹ con cá voi vừa xuất hiện tại vùng biển Đề Gi. Ảnh: Ngô Trần Hải An

Hai mẹ con cá voi vừa xuất hiện tại vùng biển Đề Gi. Ảnh: Ngô Trần Hải An

- Phát triển du lịch cần bền vững, bảo tồn thiên nhiên chứ không vì kinh tế mà đánh đổi, ông nghĩ sao về điều này?

Thời gian qua, du lịch Bình Định đã có những bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước. Lượng khách du lịch, tổng thu, đóng góp của du lịch vào GDP ngày càng tăng. Đó không chỉ vì Bình Định có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng mà còn là sự chung tay nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành trên toàn tỉnh nhằm phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả.

Đặc biệt, phát triển du lịch đã gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung xây dựng môi trường du lịch xanh, ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên và môi trường. Bình Định đã và đang làm rất tốt điều này.

- Xin cám ơn ông.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/giam-doc-so-du-lich-tour-ngam-ca-voi-se-kich-cau-du-lich-o-binh-dinh-ar697667.html