Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM nói lý do gấp gáp áp dụng bảng giá đất mới từ 1/8

Theo Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, dù rất muốn có thêm thời gian để thực hiện điều chỉnh bảng giá đất, tuy nhiên luật quy định nên muốn chờ cũng không thể được.

Chiều 29/7, tại họp báo thông tin về việc điều chỉnh giá đất năm 2024 của TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM đã nêu lý do áp dụng bảng giá đất mới từ 1/8.

Theo ông Thắng, Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ 1/8/2024. Sau ngày 1/8 sẽ không còn quy định về hệ số điều chỉnh và phải cập nhật giá đất tái định cư.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM.

Do đó, dù rất muốn có thêm thời gian để thực hiện điều chỉnh bảng giá đất, tuy nhiên luật quy định nên muốn chờ cũng không thể được, luật không cho phép. Nếu không tham mưu để ban hành bảng giá điều chỉnh sẽ tắc nghẽn.

"Dù thời gian ngắn, cấp bách nhưng không còn cách nào khác... TP.HCM phải chấp hành nghiêm và các tỉnh, thành phố đều phải làm", ông Thắng nói.

Cũng tại buổi họp báo, ông Thắng khẳng định, bảng giá đất mới không làm tăng giá đất thị trường.

Ông Thắng cho biết, bảng giá đất cũ vẫn có thể tiếp tục sử dụng, tuy nhiên qua khảo sát lại thấy cần thiết điều chỉnh cho phù hợp với giá đất thực tế.

Bảng giá đất mới sẽ không còn hệ số, được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu thị trường về giá đất. Cụ thể là dữ liệu về giao dịch đất đai tại địa bàn qua nhiều năm qua. Dữ liệu này được tổng hợp từ nhiều nguồn như Cục thuế, Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện...

Bảng giá đất mới sẽ cập nhật luôn giá đất tái định cư được phê duyệt theo giá thị trường.

"Bảng giá này cập nhật giữ liệu giá gốc chứ không làm tăng giá thị trường. Giá này đang diễn ra trên thị trường, và được cân chỉnh", Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM khẳng định.

Trước khi xây dựng bảng giá đều phải thu thập giá thị trường từ nhiều nguồn ở tất cả các địa phương, chứ không phải bây giờ mới bắt tay làm. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng TP.HCM áp dụng vội vàng, không có dữ liệu là không đúng.

Về việc người dân cho rằng "đóng tiền 2 lần" để sở hữu đất của chính mình, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM bác bỏ ý kiến này.

Ông cho rằng, trước đây, người dân mua đất nông nghiệp với giá thấp, nay muốn chuyển mục đích lên đất thổ cư thì việc đóng tiền chênh lệch là hiển nhiên.

Trước đó, phản ánh tới Báo điện tử VTC News, nhiều người dân cho rằng, việc điều chỉnh giá đất của TP.HCM là hợp lý, tuy nhiên cần có lộ trình cụ thể để người dân xoay xở.

Bảng giá đất điều chỉnh của TP.HCM dự kiến áp dụng từ ngày 1/8 với mức tăng từ 5 lần đến 50 lần giúp giá đất sát thị trường nhưng cũng gây không ít khó khăn khi tác động đến 11 nhóm đối tượng.

Trong 11 đối tượng có 3 nhóm không bị ảnh hưởng và có đến 8 nhóm ảnh hưởng.

3 nhóm đối tượng không bị ảnh hưởng khi điều chỉnh giá đất, gồm: Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm; Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng.

8 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng: Nhóm hộ gia đình, cá nhân được công nhận và chuyển mục đích sử dụng đất; Tính thuế sử dụng đất; Tính lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai; Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê.

Thy Huệ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/giam-doc-so-tn-mt-tp-hcm-noi-ly-do-gap-gap-ap-dung-bang-gia-dat-moi-tu-1-8-ar886185.html