Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM: Chưa phải đóng cửa, rút giấy phép văn phòng công chứng nào
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh (Giám đốc Sở tư pháp TP.HCM) từ ngày lập văn phòng công chứng đầu tiên đến nay chưa phải đóng cửa hoặc rút giấy phép một văn phòng công chứng nào
Hôm nay (9-5), trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp với Hội Công chứng viên (CCV) TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề đảm bảo an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản (BĐS).
Tại hội thảo, Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) trình bày về bảo đảm an toàn giao dịch về BĐS, các mô hình tiêu biểu (Đức, Hoa Kỳ và Pháp) và khuyến nghị về sự lựa chọn của Việt Nam. Sau khi dùng phương pháp suy loại, theo ông Điện, Việt Nam có thể theo mô hình của Pháp (hệ thống đăng ký suy đoán quyền kết hợp dịch vụ của CCV). Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện mô hình công chứng để phục vụ tốt cho người dân.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý, ông Huỳnh Văn Hạnh (Giám đốc Sở tư pháp TP.HCM) cho biết VPCC phải tuân thủ pháp luật, quy trình, thủ tục phải đảm bảo, như vậy mới vừa an toàn cho khách hàng vừa an toàn cho chính VPCC hay CCV.
Theo ông Hạnh, để quản lý tốt trong thời gian qua, ngay từ đầu vào xem xét, đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm CCV, quá trình theo dõi hoạt động, phối hợp với hội CCV, quá trình xây dựng tiêu chí hành nghề, Sở Tư pháp TP đã tham mưu cho UBND TP rất chặt chẽ.
Trước đây, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp sau khi xem xét các tiêu chí của 63 tỉnh thành cho rằng các tiêu chí phát triển tổ chức hành nghề công chứng của TP.HCM là một trong những tiêu chí chặt chẽ và rõ ràng nhất. “Nhờ vậy, mà từ ngày lập VPCC đầu tiên đến bây giờ đã được 110 VPCC thì chúng ta chưa phải đóng cửa hoặc rút giấy phép một VPCC nào. Đó là điều mà chúng ta cần cố gắng phát huy”, ông Hạnh nói.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần nâng cao chất lượng của các VPCC cũng như CCV thì mới giảm thiểu các rủi ro trong các giao dịch BĐS.
Trao đổi với PV về việc làm sao để nâng cao hơn nữa chất lượng của CCV, ông Huỳnh Văn Hạnh cho biết việc bổ nhiệm CCV Sở Tư pháp TP kiểm soát rất kỹ, từ các khâu tốt nghiệp, thực tập rồi đến bổ nhiệm theo một quy trình rất chặt chẽ. Cạnh đó, Sở Tư pháp TP kết hợp chặt chẽ với Hội CCV trong việc bồi dưỡng kiến thức hằng năm. Trong cái hội nghị giao ban công chứng thường xuyên giới thiệu các điểm mạnh điểm yếu của nghề công chứng để các CCV cập nhật.
Theo ông Hạnh, muốn người ta quý mình thì mình phải quý mình trước. Vì vậy, các VPCC hay CCV phải uy tín, quy trình phải chặt chẽ đúng pháp luật, đảm bảo an toàn pháp lý cho khách hàng vì bảo vệ cho khách hàng cũng là bảo vệ cho chính mình. Về khuyến nghị trong việc đảm bảo an toàn trong giao dịch BĐS, theo ông Hạnh phải đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, đúng quy trình và phải thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật để không đi sau các giao dịch.
Trong tham luận gửi đến hội thảo, Sở Tư pháp TP.HCM cho biết việc tiếp nhận hồ sơ thành lập VPCC tại Sở Tư pháp được thực hiện công khai, minh bạch, theo trình tự quy định.
Về công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua thống kê, từ ngày 1-1-2015 đến ngày 31-12-2022 Sở Tư pháp TP đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 117 tổ chức hành nghề công chứng, ban hành 50 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức hành nghề công chứng, CCV và người yêu cầu công chứng, tương ứng số tiền xử phạt là gần 400.000.000 đồng...
TP.HCM có 117 tổ chức hành nghề công chứng
Theo Sở Tư pháp TP.HCM, hiện nay, TP.HCM có 117 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 7 phòng Công chứng và 110 VPCC.
Có 494 CCV đang hành nghề, trong đó có 65 CCV hành nghề tại các Phòng Công chứng và 429 CCV hành nghề tại các VPCC.