Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa nói về việc mua máy xét nghiệm giá 3,7 tỷ
Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa vừa có báo cáo Bộ Y tế về việc mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động xét nghiệm Covid-19.
Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, sau khi có yêu cầu của Bộ Y tế, Sở đã rà soát lại việc mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có hệ thống máy xét nghiệm Real-time PCR tự động.
Hệ thống này được mua với giá hơn 3,7 tỷ đồng, bao gồm thiết bị xét nghiệm Real-time PCR 96 giếng và máy tách chiết DNA/RNA tự động.
Việc mua thiết bị do Sở Y tế chủ trì, được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Công ty CP Thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa là đơn vị cung cấp, thiết bị được lắp đặt tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thanh Hóa.
“Giá bộ máy Thanh Hóa lắp đặt là phù hợp. Máy móc có nhiều loại, loại cấu hình thấp, loại cấu hình cao. Một số máy có 24 giếng, nhưng máy ở Thanh Hóa lắp đặt có 96 giếng, kỹ thuật xét nghiệm này có ưu thế nhanh chóng, độ chính xác cao, khi được thực hiện tại chỗ, giúp địa phương chủ động hơn trong kiểm soát dịch bệnh”, ông Hùng lý giải.
Cũng theo ông Hùng, từ ngày 19/3 đến nay, với 2 hệ thống xét nghiệm vận hành liên tục 24/24h, CDC Thanh Hóa có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc khoảng 400 mẫu mỗi ngày.
Cho đến nay, CDC Thanh Hóa đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho 3.300 trường hợp, tất cả đều có kết quả âm tính.
1,4 tỷ đồng Đà Nẵng chi mua là máy gì?
Sáng nay, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, tháng 3 vừa qua, Sở Y tế mua bổ sung một máy nhân gen và đọc kết quả xét nghiệm gần 1,4 tỷ đồng sau đề xuất của đơn vị để tăng cường năng lực khi được chủ động xét nghiệm Covid-19.
Theo bác sĩ Thạnh, đây là máy Real-time PCR Aria Mx của hãng Agilent (Mỹ), được sản xuất tại Malaysia.
Năm 2015, TP từng mua một máy cùng loại để xét nghiệm các tác nhân vi sinh vật gây ra một số bệnh khác như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản... Trong thời gian sử dụng, máy từng có trục trặc và phải đưa vào TP.HCM sửa.
Hệ thống máy xét nghiệm tự động Real-time PCR gồm nhiều máy móc, thiết bị, trong đó chủ yếu và cần thiết nhất là máy tách chiết ADN/ARN tự động, máy chia mẫu tự động và máy nhân gen và đọc kết quả xét nghiệm. Vừa qua, Đà Nẵng chưa đầu tư máy tách chiết và chia mẫu, các công đoạn này được nhân viên CDC thực hiện thủ công.
"Chúng tôi có hơn 10 nhân viên chuyên phục vụ xét nghiệm Covid-19, họ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, mỗi ngày có thể hoàn thành được 300 - 400 mẫu bệnh phẩm. Còn ở một số địa phương đội ngũ y tế chưa thực hành thuần thục các thao tác nghiệp vụ thì cần có máy tự động để hỗ trợ nhằm đảm bảo kết quả xét nghiệm khách quan.
Mọi người đang hiểu nhầm là Đà Nẵng mua hệ thống máy xét nghiệm tự động với giá chỉ 1,4 tỷ đồng. Thực chất chỉ là một máy trong hệ thống xét nghiệm Real-time PCR thôi”, ông Thạnh nói.
Theo ông Thạnh, nếu mua các máy còn lại thì cũng rất tốt. Nhưng các máy này thường áp dụng trong trường hợp số lượng mẫu phẩm cần xét nghiệm nhiều. Nếu mẫu xét nghiệm ít thì làm thủ công sẽ nhanh hơn máy tách chiết ADN/ARN, chia mẫu tự động, vì máy cần một thời gian nhất định để hoàn thành một quy trình vận hành.
Liên quan đến giá các loại máy trong hệ thống xét nghiệm tự động Real-time PCR, ông Thạnh cho biết, qua tham khảo, tùy từng hãng máy, đời máy, công suất, cũng như xuất xứ mà giá bán cũng khác nhau. Có máy từ vài trăm triệu, nhưng cũng có máy lên đến vài tỷ đồng.
Tại Hà Nội, CDC đã chi đến 7 tỷ đồng mua hệ thống xét nghiệm. Giám đốc CDC Nguyễn Nhật Cảm đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi cấu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm.
Tại Ninh Bình, thiết bị xét nghiệm Real-time PCR được lắp đặt tại BV Đa khoa tỉnh với giá trên hợp đồng (cả hệ thống) gần 7,9 tỉ đồng. Trong đó, 5,9 tỷ đồng cho hệ thống xét nghiệm gồm thiết bị xét nghiệm Real-time PCR và máy tách chiết ADN tự động. Các thiết bị khác trị giá gần 2 tỷ đồng.
Sở Y tế Thái Bình mua máy xét nghiệm Real-time PCR ở mức giá 5,8 tỷ đồng. Theo Giám đốc Sở, đây là máy móc hiện đại nhất (Cobas 4800) có thể xét nghiệm nhiều loại bệnh chứ không chỉ riêng Covid-19.
Tỉnh Quảng Bình phê duyệt mua máy khoảng 3 tỉ đồng gồm giá máy hơn 1,6 tỷ, còn lại là hệ thống tách chiết và một số phụ kiện.
CDC Gia Lai tiếp nhận 1 máy xét nghiệm PCR do tập đoàn Quốc Cường Gia Lai tặng. Đây là máy riêng lẻ chứ không phải cả hệ thống, ước tính có giá chưa tới 2 tỷ đồng
Tỉnh Quảng Trị mua máy xét nghiệm Real-time PCR với giá 1,5 tỷ đồng, máy tách chiết mẫu tự động 32 lỗ giá 650 triệu đồng.