Giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ, Cục Đăng kiểm nói gì?
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc lựa chọn lãnh đạo trung tâm đăng kiểm là do doanh nghiệp đầu tư thực hiện. Với Trung tâm đăng kiểm 50-17D Nhà Bè (TP. HCM) là xã hội hóa, ông Tài thực tế chỉ là Giám đốc trên giấy tờ.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết ông Hồ Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) không biết chữ, không đọc được và mới chỉ học lớp 3 cách đây 50 năm.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 4/1, đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, Trung tâm đăng kiểm 50-17D là đơn vị do tư nhân đầu tư.
Ông Hồ Hữu Tài mặc dù là Giám đốc nhưng không phải đăng kiểm viên, không phải người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của Trung tâm hay ký giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các phương tiện.
Trung tâm đăng kiểm 50-17D hiện có một dây chuyền kiểm định loại II với 6 đăng kiểm viên. Trong đó, ông Trần Thanh Vinh, Phó giám đốc Trung tâm, là người điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới.
Nghị định 139 quy định lãnh đạo trung tâm đăng kiểm là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của đơn vị và ký giấy chứng nhận kiểm định. Người này phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng.
Đại diện Cục Đăng kiểm lý giải, trung tâm đăng kiểm hoạt động như một doanh nghiệp, sẽ có nhiều lãnh đạo cùng điều hành. Quy định trên được áp dụng với lãnh đạo chịu trách nhiệm chuyên môn, tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định xe.
Khi soạn thảo quy định về xã hội hóa trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm đã lường trước các vấn đề này, song việc lựa chọn lãnh đạo trung tâm là do doanh nghiệp đầu tư thực hiện. Do đó, bên cạnh các đơn vị làm tốt vẫn còn có đơn vị lựa chọn người lãnh đạo chưa có năng lực.
Thực tế, có lãnh đạo Trung tâm kiểm định không phải là đăng kiểm viên, chỉ hiện diện với vai trò quản lý tài chính, tài sản của chủ đầu tư. Ở những trung tâm này, Phó giám đốc phụ trách là đăng kiểm viên và chịu trách nhiệm ký giấy chứng nhận kiểm định phương tiện và tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định.
Các trung tâm đăng kiểm tăng lên sau khi Nghị định 139 ngày 8/10/2018 bỏ quy định các đơn vị đăng kiểm thành lập mới phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới đăng kiểm.
Theo điều 24 Nghị định 139, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của đơn vị đăng kiểm và ký giấy chứng nhận kiểm định. Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
“Theo quy định trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ quản lý những lãnh đạo (Giám đốc, các Phó Giám đốc) là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận ATKT & BVMT tại các trung tâm đăng kiểm. Những lãnh đạo khác không phải đăng kiểm viên, không chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và không ký giấy chứng nhận ATKT & BVMT, Cục Đăng kiểm Việt Nam không có thẩm quyền và trách nhiệm quản lý”, đại diện Cục Đăng kiểm cho biết.
Thực tế, việc giám đốc trung tâm đăng kiểm tư nhân (xã hội hóa) không phải đăng kiểm viên, không có chuyên môn về đăng kiểm không hiếm bởi đa phần họ là chủ đầu tư. Ở những trung tâm này, Phó Giám đốc phụ trách mới đăng kiểm viên và là người chịu trách nhiệm ký giấy chứng nhận an toàn kết cấu và bảo vệ môi trường phương tiện và tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định.
Hiện nay, cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, trong đó 196 đơn vị theo hình thức xã hội hóa, 64 thuộc Sở GTVT và 20 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý.
"Biệt phái" nhiều đăng kiểm viên từ Bắc vào Nam, xử nghiêm tiêu cực, nhũng nhiễu
Liên quan đến những sai phạm của các trung tâm đăng kiểm ở TP. HCM và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhìn nhận những hành vi này không những làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây mất lòng tin trong nhân dân đối với lĩnh vực kiểm định phương tiện giao thông vận tải mà còn hình thành tâm lý coi thường, xem nhẹ pháp luật, các quy định về bảo đảm ATGT, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông.
Từ đó, đã có chỉ đạo yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tích cực phối hợp với cơ quan kiểm soát pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp, đồng thời kịp thời thông tin về Cục Đăng kiểm Việt Nam để phối hợp giải quyết.
Cùng đó, giao Phòng Kiểm định xe cơ giới tăng cường kiểm tra đột xuất, giám sát hoạt động kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới để kịp thời ngăn chặn, chủ động phát hiện sớm và có biện pháp quyết liệt chấn chỉnh, tham mưu, đề xuất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hiện tượng vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực; chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thực hiện nghiêm quy trình, quy định.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sau những sai phạm tại một số Trung tâm đăng kiểm ở khu vực phía Nam, để ổn định tình hình, tiếp nhận vã xử lý đăng kiểm cho xe của người dân, doanh nghiệp đến đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục “biệt phái” thêm 5 đăng kiểm viên ở phía Bắc vào hỗ trợ TTĐK 50-09D (TP.HCM) duy trì hoạt động khi trung tâm này thiếu đăng kiểm viên do nghỉ bệnh.
Cũng theo Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, những ngày qua, tại Phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phân công cán bộ liên tục trực, theo dõi nắm bắt sát sao tình hình hoạt động của các trung tâm đăng kiểm, bất kể đơn vị nào gặp khó khăn đều sẽ được điều phối đăng kiểm viên hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để đưa các dây chuyền kiểm định vào hoạt động nhằm phục vụ người dân, nhất là trong dịp cao điểm cuối năm, nhu cầu thường tăng cao./.