Giám đốc Vườn Quốc gia: Gặp động vật quý hiếm người dân cần làm gì?

Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) nói về kinh nghiệm khi gặp động vật quý hiếm.

Ông Đào Xuân Thủy cho biết, hằng năm, cán bộ Vườn quốc gia Chư Mom Ray (đóng tại Sa Thầy, Kon Tum, gọi tắt là Vườn) đều tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng cho người dân trên địa bàn hiểu rõ các quy định về bảo vệ rừng và động vật quý hiếm. Qua đó, nhiều người đã nhận thức được phá rừng, săn bắn động vật quý hiếm là vi phạm pháp luật. Đồng thời, việc nuôi nhốt động vật hoang dã, quý hiếm cũng bị cấm.

"Nếu tình cờ thấy động vật quý hiếm bị thương, đi lạc, người dân báo với kiểm lâm. Nếu trót mang về nhà, cần báo ngay cho hạt kiểm lâm sở tại. Sau đó, cơ quan kiểm lâm làm hồ sơ tiếp nhận và bàn giao lại cho Vườn chăm sóc, chữa trị (nếu động vật bị thương). Sau một thời gian chăm sóc, Vườn lập hội đồng đánh giá, nếu động vật được tiếp nhận đã hoàn toàn khỏe mạnh, nhanh nhẹn thì thả lại vào rừng tự nhiên".

Cũng theo ông Đào Xuân Thủy, từ đầu năm đến nay, Vườn đã tổ chức 2 đợt tiếp nhận động vật quý hiếm gồm 2 con trăn đất, 2 con khỉ. Các động vật này do người dân phát hiện, mang về và tự nguyện nộp cho kiểm lâm, rồi kiểm lâm giao lại cho Vườn.

Con trăn đất thuộc loài động vật quý hiếm nhóm IIB được người dân giao nộp cho kiểm lâm và kiểm lâm giao cho Vườn chăm sóc.

Con trăn đất thuộc loài động vật quý hiếm nhóm IIB được người dân giao nộp cho kiểm lâm và kiểm lâm giao cho Vườn chăm sóc.

2 con trăn đất (tên khoa học Python molurus) thuộc loại động vật nguy cấp, quý hiếm, xếp vào nhóm IIB, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Loài động vật này sinh tồn tốt trong môi trường rừng tự nhiên ở Tây Nguyên.

2 con khỉ đuôi lợn cũng là động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB, việc săn bắt, buôn bán bị cấm. Môi trường, khí hậu, sinh cảnh ở Vườn rất phù hợp cho động vật này sinh trưởng, phát triển.

2 con khỉ đuôi lợn được người dân giao nộp cho kiểm lâm và kiểm lâm giao cho Vườn chăm sóc.

2 con khỉ đuôi lợn được người dân giao nộp cho kiểm lâm và kiểm lâm giao cho Vườn chăm sóc.

"4 cá thể động vật quý hiếm nêu trên hiện tại Vườn đang chăm sóc, chúng được đáp ứng thức ăn đầy đủ. Tình hình sức khỏe các cá thể động vật này được theo dõi hàng ngày. Nơi ở của các động vật được bố trí dưới tán rừng xanh, cả ngày mát mẻ, thông thoáng", ông Đào Xuân Thủy nói.

Cán bộ Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tiếp nhận động vật quý hiếm

Cán bộ Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tiếp nhận động vật quý hiếm

Đại diện Vườn thông tin thêm, hiện tại trong Vườn có 1.001 loài động vật, trong đó có 112 loài động vật quý hiếm. Điển hình như voọc bạc, voọc chà vá chân đen, vượn đen, khỉ đuôi lợn, beo lửa, bò tót, sơn dương…

Đặc biệt, từ giữa năm 2023 đến nay, Vườn đã tiếp nhận, cứu hộ thành công gần 30 cá thể động vật quý hiếm như: cầy vòi hương, khỉ mặt đỏ, rùa núi, trăn đất…Hầu hết các động vật này đã bình phục sức khỏe và được thả về rừng tự nhiên.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giam-doc-vuon-quoc-gia-gap-dong-vat-quy-hiem-nguoi-dan-can-lam-gi-169240828151828901.htm