Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương: Việt Nam cần bạn cùng xây dựng tương lai khỏe mạnh, an toàn và đáng sống

Trong bối cảnh cuộc sống 'bình thường mới' đang trở lại, mới đây, Ts. Takeshi Kasai, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới Khu vực Tây Thái Bình Dương đã có bài viết về Việt Nam được đăng tải trên website của tổ chức này, báo Sức khỏe và Đời sống xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của TS Takeshi Kasai.

Trong những ngày này, rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đang ra những quyết định phức tạp về việc cùng tồn tại với COVID-19 hoặc thích nghi như thế nào với “bình thường mới”. Các chính phủ đang đánh giá các biện pháp ngăn chặn dịch trong giai đoạn đầu và xem xét liệu có thể ngừng áp dụng biện pháp nào.

Mặc dù chúng ta có thể cảm thấy đã sống cùng các biện pháp nhằm kiểm soát COVID-19 một thời gian dài thì đây vẫn là một loại vi rút mới. Sự thật là, chúng ta đang vừa học vừa làm và chúng ta có thể không thực hiện hoàn hảo ở lần đầu tiên. Nếu vi rút này bắt đầu lây lan trong cộng đồng, chúng ta có thể cần phải áp dụng trở lại các biện pháp đã được dỡ bỏ. Điều quan trọng là chúng ta cần phải tiếp tục linh hoạt, dựa trên bằng chứng về diễn biến dịch và tất cả chúng ta phải cùng hợp tác vượt qua giai đoạn này.

Ts. Takeshi Kasai, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới Khu vực Tây Thái Bình Dương

Ts. Takeshi Kasai, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới Khu vực Tây Thái Bình Dương

Sự hi sinh của các bạn trong giai đoạn mấy tháng vừa qua đã tạo nên những thay đổi lớn. Nếu không tạm thời đóng cửa các cửa hàng, công sở, trường học và chấp hành yêu cầu ở nhà, hạn chế đi lại và hoãn các sự kiện văn hóa và tôn giáo thì sẽ còn có nhiều người dân Việt Nam hơn nữa bị nhiễm bệnh. Những biện pháp này và sự chấp hành của các bạn đã giúp ngăn ngừa COVID-19 lây lan rộng trong cộng đồng, giúp các cơ sở y tế không bị quá tải và cứu nhiều mạng sống.

Tuy nhiên các biện pháp giãn cách cũng làm cho cuộc sống của hàng triệu người trở nên rất khó khăn và tác động rất lớn đến kinh tế xã hội. Không thể đếm được số lượng người dân bị mất việc và không thể hỗ trợ gia đình, trong đó, người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất. Những người làm công việc “thiết yếu” đã làm việc không mệt mỏi, chịu thiệt thòi để duy trì mạch sống và dịch vụ y tế cho tất cả chúng ta.

Một số biện pháp có thể đã được gỡ bỏ, tuy nhiên điều này không có nghĩa là cuộc chiến này đã qua. Thật không may, đây sẽ còn là một trận chiến dài lâu. Trong một thế giới liên kết chặt chẽ với nhau mà chúng ta đang sống, một khi vi rút còn đang lây lan, và trước khi có được loại vắc xin an toàn và hiệu quả dành cho tất cả mọi người, thì không có quốc gia nào an toàn trước các ca bệnh mới và làn sóng lây nhiễm mới.

Thách thức đối với chúng ta bây giờ là cần bảo vệ được sức khỏe của người dân và duy trì được tư thế sẵn sàng để ứng phó với những đợt sóng tiềm ẩn COVID-19 mới, đồng thời khởi động lại nền kinh tế và cuộc sống của chúng ta. Thật là sai lầm nếu chỉ lựa chọn một trong hai điều này. Trên thực tế, chúng ta cần nâng cao sức khỏe của người dân và cả sức mạnh của nền kinh tế, thông qua hợp tác trên tất cả các lĩnh vực của xã hội.

Những quyết định to lớn mà các quốc gia hiện đang cân nhắc cần được các chuyên gia về y tế và kinh tế, cũng như các thành viên trong cộng đồng và các doanh nghiệp ngồi lại cùng nhau và đưa ra. Cách tiếp cận toàn xã hội này đã được Việt Nam thực hiện một cách hiệu quả từ đầu thời điểm bùng phát dịch.

Chúng ta đã và đang thấy được kết quả từ sự phối hợp đó. Kể từ khi COVID-19 xuất hiện, nhiều sáng kiến sáng tạo đã được đưa ra. Ví dụ, có nhiều loại hình sản phẩm và dịch vụ hơn - từ sản xuất nông nghiệp cho đến các dịch vụ y tế - đã được chuyển đến tận nhà của người dân. Một vài trong số những sáng kiến mới này có thể là giải pháp cho những vấn đề mà chúng ta đã và đang nỗ lực giải quyết trong suốt thời gian dài vừa qua, ví dụ như tiếp cận tới những người dân mà trước đây đã bị bỏ sót.

Các đặc điểm khác của “bình thường mới” là việc chúng ta phải tiếp tục các biện pháp phòng ngừa COVID-19, chẳng hạn như giữ khoảng cách với nhau tại các nơi công cộng, thường xuyên rửa sạch tay, và ở nhà khi bị ốm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc hơn ngoài việc chỉ thay đổi hành vi – chúng ta cần thay đổi cả thái độ của mình. Trong bối cảnh bình thường mới, mỗi người trong chúng ta cần chịu trách nhiệm không chỉ cho chính bản thân, mà còn chịu trách nhiệm cho sức khỏe và sự an toàn của gia đình, đồng nghiệp và rộng hơn là cộng đồng. Và việc của chúng ta là cần phải lắng nghe tiếng nói của khoa học, tuân thủ nghiêm túc các chính sách dự phòng ngay cả khi chúng đã được gỡ bỏ, và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương quanh ta.

Đây là một Khu Vực có tính cộng đồng mạnh mẽ và văn hóa hỗ trợ những nhóm người dễ bị tổn thương. Tôi kêu gọi tất cả mọi người dân Việt Nam – từ những người bán thực phẩm, đến các giáo viên, và những nhà lãnh đạo chính phủ - tiếp tục chú tâm và tham gia vào quá trình này. Con đường trước mắt sẽ cần tới sự đoàn kết, sự thống nhất, tinh thần cảnh giác và lòng kiên nhẫn.

Hãy cùng chung tay với chúng tôi để điều chỉnh thích ứng với cách sống mới, cách làm việc mới, và cách tương tác mới. Mỗi người trong chúng ta càng làm tốt vai trò của mình, thì chúng ta càng đóng góp nhiều hơn cho đời sống kinh tế và xã hội, mà vẫn giữ được sự an toàn. Cuối cùng, việc xây dựng một tương lai khỏe mạnh, an toàn và đáng sống tại Việt Nam có thành công hay không phụ thuộc vào tất cả chúng ta.

Ts. Takeshi Kasai

(Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới Khu vực Tây Thái Bình Dương)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giam-doc-who-tay-thai-binh-duong-viet-nam-can-ban-cung-xay-dung-tuong-lai-khoe-manh-an-toan-va-dang-song-n175453.html