Giảm, giãn các loại thuế, phí: Doanh nghiệp ở Lâm Đồng ví như được đón thêm 'luồng gió lành'

Ông Nguyễn Duy Đa – Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viên Sơn Lâm Đồng cho rằng, chính sách tài khóa về giảm, giãn các loại thuế, phí giống như 'luồng gió lành', góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thêm điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Duy Đa - Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viên Sơn Lâm Đồng, tại khu sản xuất ớt xuất khẩu. Ảnh Sơn Nam

Ông Nguyễn Duy Đa - Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viên Sơn Lâm Đồng, tại khu sản xuất ớt xuất khẩu. Ảnh Sơn Nam

Chính sách kịp thời, nhân văn

Đứng chân trên địa bàn huyện Đức Trọng và Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, hoạt động chủ yếu về lĩnh vực nông nghiêp trồng trọt, chế biến sâu và xuất khẩu một số loại nông sản đặc thù, ông Nguyễn Duy Đa - Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viên Sơn Lâm Đồng chia sẻ: Kể từ sau đại dịch Covid – 19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xoay vòng vốn để khôi phục, duy trì sản xuất kinh doanh.

Do đặc thù của doanh nghiệp chuyên canh về sản xuất nông nghiệp, sản xuất liên kết, trực tiếp ký kết với nông dân qua việc hỗ trợ trồng và bao tiêu sản phẩm các loại nông đặc sản, trong điều kiện xoay vòng vốn theo quy trình từ khi trồng, chế biến, xuất khẩu… chậm và kéo dài, trong khi doanh nghiệp thường xuyên phải ứng vốn trực tiếp cho nông dân, thời gian qua khi được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp rất vui mừng, tự tin hơn trong môi trường cạnh tranh.

“Việc Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống còn 8% với đa số mặt hàng trong khoảng thời gian nhất định, gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất rất phù hợp với những gì doanh nghiệp mong đợi. Điều này giống như được đón nhận thêm “luồng gió lành” giúp cho doanh nghiệp ổn định, phát triển trong thời gian tới” - ông Nguyễn Duy Đa - Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viên Sơn Lâm Đồng cho biết.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết, đa phần các doanh nghiệp ở địa phương có đặc thù là việc sản xuất kinh doanh của họ gắn liền với người nông dân. Người nông dân luôn có nhu cầu việc làm thời vụ, có thu nhập hàng ngày để trang trải cuộc sống. Doanh nghiệp luôn cần xoay vòng vốn nhanh để duy trì chuỗi sản xuất kinh doanh theo chu kỳ, thời vụ và tái đầu tư mở rộng sản xuất, xuất khẩu.

Do vậy, việc Chính phủ gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đã tác động tích cực trực tiếp đến doanh nghiệp và giúp cho người dân cải thiện cuộc sống.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Tuyết Ánh – Phó Cục trưởng, người phát ngôn của Cục Thuế Lâm Đồng cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành chính sách giãn, giảm thuế, phí đến hết năm 2024, Cục Thuế Lâm Đồng đã triển khai ngay việc tuyên truyền, đăng tải nội dung chính sách trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Đồng thời, cục thuế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn người nộp thuế kê khai bổ sung hồ sơ thuế, nộp thuế theo đúng quy định.

Toàn cảnh khu trung tâm TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Sơn Nam

Toàn cảnh khu trung tâm TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Sơn Nam

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp doanh nghiệp hiểu rõ chính sách được thụ hưởng tác động tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân, từ đó kích thích tiêu dùng, ổn định tăng trưởng. Đồng thời khuyến nghị, các doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách trên cũng phải chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh để tăng trưởng nhanh, bền vững.

Cùng với đó, hiệp hội cũng nắm bắt những vấn đề phát sinh, đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: về điều chỉnh tiền thuê đất, tham mưu với tỉnh mở rộng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; chính sách khuyến khích thu hút nhà đầu tư, nhất là hoạt động chế biến sâu các loại sản phẩm phục vụ xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.

Thông qua các hoạt động, hiệp hội đã giúp doanh nghiệp giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, tiếp cập thị trường tiêu thụ, tiếp cận vốn, đẩy nhanh tiến độ dự án, liên kết kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý, cạnh tranh và gia nhập thị trường./.

Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 15.000 doanh nghiệp, đến năm 2030 có trên 20.000 doanh nghiệp; trong đó, có trên 10% doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp phát triển mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đóng vai trò đầu tàu trong nền kinh tế của tỉnh.

Riêng địa bàn TP. Đà Lạt hiện có 3.924 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 32.254 lao động, nguồn vốn sản xuất, kinh doanh 59.557 tỷ đồng. Thành phần kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh quy mô nhỏ nên các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn được quan tâm thường xuyên và kịp thời.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-gian-cac-loai-thue-phi-doanh-nghiep-o-lam-dong-vi-nhu-duoc-don-them-luong-gio-lanh-154297.html