Giảm giờ làm phải phù hợp với tình hình của Việt Nam

Song hành với giảm giờ làm cần nghiên cứu các giải pháp tăng năng suất, trình độ lao động phù hợp với phát triển kinh tế.

Sáng 26/5, hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được diễn ra.

Tại hội nghị, các báo cáo, ý kiến đều thống nhất đánh giá, thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo đó, năm 2023, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai công tác phối hợp, bảo đảm hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và yêu cầu thực tiễn.

Trong đó, tiếp tục phối hợp nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động, nâng cao đời sống của người lao động; giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động;

Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và Chính phủ "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương 12 nội dung và được các bộ, ngành thảo luận, giải đáp.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu (Ảnh: VGP).

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu (Ảnh: VGP).

Trong đó có các nội dung về: Quan tâm quyền và lợi ích của người lao động và hoạt động công đoàn khi xây dựng các chủ trương, chính sách pháp luật; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; về đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần,…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu nói thật, làm thật, không hình thức, không màu mè; "đã nói là làm, đã cam kết thì phải thực hiện" và có kiểm tra, đánh giá, sao cho quan hệ phối hợp giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích chính đáng cho người lao động.

Về kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Thủ tướng đánh giá hai bên đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác, cả những công việc thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.

Các nội dung phối hợp được triển khai chặt chẽ, toàn diện, hiệu quả, thiết thực, đi vào những nội dung cụ thể để giải quyết các vấn đề về nhà ở cho người lao động, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: VGP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: VGP).

Tổng Liên đoàn đã phát huy vai trò trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các cơ chế, chủ trương, chính sách quản lý liên quan trực tiếp đến việc làm, tiền lương; chủ động nắm tình hình thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động.

Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật như Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đất đai, Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động…

Theo Thủ tướng, năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức công đoàn vững mạnh, coi đó là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị (Ảnh: VGP).

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị (Ảnh: VGP).

Định hướng phối hợp công tác thời gian tới, cơ bản thống nhất với báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung gồm 1 nhiệm vụ trung tâm, 3 quan tâm, 5 đẩy mạnh.

Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến về 12 đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan xem xét, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Trong đó, với đề nghị sớm thực hiện nội dung Nghị quyết số 101 về giảm giờ làm, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu về chính sách giảm giờ làm đối với người lao động trong quá trình tham mưu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động; việc này phải phù hợp với tình hình của Việt Nam, đồng thời với thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm thực tiễn, đề xuất phương án, giải pháp tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho đối tượng người lao động là phụ nữ di cư

.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/giam-gio-lam-phai-phu-hop-voi-tinh-hinh-cua-viet-nam-a665339.html