Giảm giờ làm việc bình thường: Vấn đề hệ trọng của quốc gia
Dự kiến Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 20/11. Tuy nhiên đến nay còn quá nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt xung quanh vấn đề giảm giờ làm bình thường và tăng khung giờ làm thêm.
Giảm giờ làm, kinh tế chịu ảnh hưởng
Đóng góp về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại phiên thảo luận ngày 23/10, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho biết, theo tính toán sơ bộ, chỉ riêng với các ngành thủy sản, dệt may, da giày, túi xách, điện tử, lương thực, thực phẩm… nếu giảm giờ làm việc bình thường về mức 44 giờ/tuần có thể dẫn đến giảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu ít nhất 20 tỷ USD mỗi năm.
Điều này ảnh hưởng tức thời tới xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Để duy trì sản xuất trong điều kiện giảm giờ làm thì DN buộc phải tuyển thêm lao động, nhưng trong điều kiện thị trường lao động hiện nay, khi tỷ lệ thất nghiệp đang rất thấp, thì các DN rất khó tuyển thêm lao động. Các DN FDI cũng sẽ tìm tới các nền kinh tế có chi phí lao động thấp hơn để chuyển hướng đầu tư…
“Kết quả cuối cùng là, giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay sẽ không mang lại lợi ích cho người lao động. Mặt khác, khi chi phí lao động của DN tăng lên, năng lực cạnh tranh của DN sẽ giảm sút. Nhiều DN sẽ phải thu hẹp sản xuất và người lao động sẽ mất việc làm. Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành (quy định linh hoạt thời gian làm việc tối đa 48 giờ/tuần)”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị.
Cùng quan điểm trên, Đại biểu Trần Văn Tiến - Vĩnh Phúc cho rằng, việc giảm giờ làm bình thường xuống 44 giờ/tuần chưa thực sự phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay, nhất là khi năng suất lao động (NSLĐ) của nước ta còn chưa cao so với nhiều nước trong khu vực.
Tuy nhiên báo cáo tổng hợp ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội về nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có 9 đoàn đại biểu có ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành (48 giờ/tuần); 18 đoàn đề nghị giảm xuống 44 giờ/tuần và 3 đoàn đề nghị giảm xuống còn 40 giờ/tuần. Diễn biến phiên thảo luận cũng phản ánh khá sát với báo cáo tổng hợp trên khi có khá nhiều ý kiến đề xuất phương án giảm giờ làm việc bình thường xuống 44 giờ/tuần, cho rằng đây là xu hướng tiến bộ, đồng thời nhằm thúc đẩy tăng NSLĐ (thông qua áp dụng công nghệ cao, quản lý…).
Theo Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương), giảm giờ làm trong tuần không chỉ đảm bảo cho người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, cân bằng giữa công việc và gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn bình đẳng với khu vực nhà nước.
“Tại các buổi tiếp xúc cử tri, đa số công nhân lao động tỉnh Bình Dương đã đề nghị giảm thời giờ làm việc trong tuần bằng khu vực nhà nước hoặc tối đa là 44 giờ/tuần. Rất nhiều công nhân lao động đã gửi gắm và đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển tải tiếng nói nguyện vọng của người lao động đến Quốc hội tại kỳ họp này...”, Đại biểu Hạnh nói và thông tin: “Thực tế tại tỉnh Bình Dương có khoảng 50 DN đã áp dụng thời giờ làm việc trong tuần không quá 44 giờ và những DN này đang có xu hướng tiếp tục giảm. Tôi đã trực tiếp khảo sát tại các DN này cho thấy, mặc dù giờ làm việc giảm nhưng NSLĐ không giảm, tiền lương của người lao động cũng không giảm và DN cũng không phải tuyển thêm lao động mới”.
Tìm điểm trung hòa
Trong khi đó về khung giờ làm thêm, Đại biểu Vũ Tiến Lộc ủng hộ phương án 2 (nới rộng có chừng mực khung thỏa thuận thời giờ làm thêm không quá 400 giờ/năm) vì khung quy định hiện nay thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực đang cạnh tranh lao động với Việt Nam (Bangladesh là 408 giờ, Trung Quốc là 432 giờ, Hàn Quốc là 624 giờ, Indonesia là 728 giờ…), và không phù hợp với tính chất thời vụ của những ngành nghề đặc thù như thủy sản, dệt may, da giày…
Cũng là người lựa chọn tăng khung giờ làm thêm, Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, với nhiều ngành nếu chúng ta không cho tăng thời giờ làm thêm thì rất ảnh hưởng đến việc sản xuất và việc tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hàng sản phẩm có liên quan đến nông nghiệp thu hoạch mía đường, lúa… khi vào vụ rất cần nhân công.
Trong khi đó, luồng ý kiến khác lại không đồng thuận với tăng khung giờ làm thêm mà giữ như luật hiện hành. Trước các ý kiến tranh luận trái chiều trên, Đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cho rằng, quan điểm tăng hay không tăng thêm giờ cần được nhìn nhận đa chiều hơn, cả về phía người lao động và phía DN, phía nền kinh tế hay các chính sách an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Thực tế, có người lao động không muốn làm thêm song cũng có người lao động lại có nhu cầu muốn làm thêm, nên nếu chọn phương án nào cũng sẽ có “khoảng hở”. Do đó, ban soạn thảo cần cân nhắc thêm khung pháp lý cho việc làm thêm giờ, tạo điều kiện cho người lao động ngoài hợp đồng chính thức, có thể làm thêm, song cũng cần có sự tính toán lương căn bản theo giờ.
Các nội dung góp ý của đại biểu đã được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, thay mặt cho cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, tiếp thu nghiêm túc và sẽ cùng với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Bộ luật này. Riêng về nội dung thời gian làm việc bình thường, Bộ trưởng Dung cho biết, việc giảm giờ làm việc bình thường là vấn đề lớn, có tác động đến tất cả các chủ thể liên quan và có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, nên cần nghiên cứu, đánh giá và lượng hóa rất cụ thể.
Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ở góc độ kinh tế, nếu giảm xuống 44 giờ/tuần thì thời gian giảm một năm đi sẽ là 208 giờ, tổng chi phí lao động sẽ tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm đi khoảng 20 tỷ USD/năm và tốc độ GDP sẽ giảm đi 0,5%.
“Chúng ta đang nỗ lực rất lớn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp (mà theo các chuyên gia để không rơi bẫy này thì GDP phải tăng bình quân 7,5%/năm), nên đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng với quốc gia và cần phải có đánh giá một cách rất kỹ lưỡng. Xin đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu để đến thời điểm thích hợp thì sẽ giảm giờ làm việc bình thường”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.