Giảm hơn 5.000 bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết

Theo kiểm sát viên, sau khi rà soát và thấy có trường hợp trùng tên nên xác định lại bị hại trong vụ án là hơn 25.000 trường hợp (giảm so với trước đó là hơn 30.400 bị hại). Điều này không làm thay đổi kết quả điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC.

Ngày 29/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cùng 49 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số đơn vị liên quan tiếp tục với phần tranh luận.

Tại phiên tòa sáng nay, đối đáp lại quan điểm của luật sư, các bị cáo về thiệt hại trong vụ án, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã nêu quan điểm cụ thể.

Theo đó, kiểm sát viên cho rằng, phần lớn các bị cáo trong vụ án này đều có trình độ, am hiểu, hiểu biết về chứng khoán và thị trường chứng khoán; một số còn làm trong cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán.

Đại diện VKS trong phần luận tội và đề nghị mức án. Ảnh: CTV

Đại diện VKS trong phần luận tội và đề nghị mức án. Ảnh: CTV

Trong quá trình diễn ra phiên tòa, đa số bị cáo đều nhận tội, xin giảm nhẹ hình phạt, nhiều bị cáo tích cực tìm cách khắc phục hậu quả vụ án. Vì vậy, bản luận tội không nêu nhiều về diễn biến, căn cứ xác định phạm tội nhưng đến nay, kiểm sát viên thấy cần phân tích thêm để các bị cáo nhận thức hành vi của mình.

Cụ thể, đối với ý kiến của nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết về việc vụ án chỉ có 133 người đến trình báo, có đơn yêu cầu bồi thường mới là bị hại. Còn lại với nhóm hơn 30.000 người mua cổ phiếu ROS thì chưa thể xác định được, một số bị trùng tên.

Về lập luận này đại diện VKS xác định, Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, cầm đầu, tổ chức trong việc lừa đảo bán cổ phiếu ROS của Công ty Faros cho hơn 30.000 nhà đầu tư.

Để thực hiện hành vi này, bị cáo Quyết cùng đồng phạm đã thực hiện nâng vốn từ 1,5 tỷ đồng lên hơn 4.800 tỷ đồng nhưng trong đó chỉ có gần 1.200 tỷ đồng là vốn thật. Điều này đã khiến hơn 30.000 nhà đầu tư lầm tưởng Công ty Faros có vốn thật nên bỏ tiền ra mua cổ phiếu ROS.

Qua đây, Trịnh Văn Quyết thu về hơn 4.800 tỷ đồng, trừ đi phần vốn được hưởng lợi bất chính hơn 3.600 tỷ đồng. Do đó, đại diện VKS nhận định, bị hại phải được xác định tại thời điểm hành vi chiếm đoạt thực hiện xong.

Về ý kiến của nhóm luật sư cho rằng nhiều bị hại bị trùng tên, kiểm sát viên cho biết, phía công tố đã tiến hành rà soát và thấy có trường hợp trùng tên nên xác định lại bị hại trong vụ án là hơn 25.000 trường hợp (giảm so với trước đó là hơn 30.400 bị hại).

Ngoài ra, đại diện viện kiểm sát cho rằng, việc xác định lại số lượng bị hại nói trên không làm thay đổi kết quả điều tra; trọng tâm vẫn là việc Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu khống, thu tiền dùng cho mục đích cá nhân.

Trước đó tại phần luận tội, đại diện VKS đề nghị mức án đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết từ 19 - 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 5 - 6 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội danh là từ 24 - 26 năm tù.

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Trịnh Văn Quyết), 4 – 5 năm tù vì thao túng và 13 - 14 năm tù về lừa đảo, tổng hợp từ 17 – 19 năm tù.

Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột ông Quyết), 3 - 4 năm tù vì thao túng và 7 – 8 năm tù về lừa đảo, tổng hợp từ 10 – 12 năm tù.

Bị cáo Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, từ 4 – 5 năm tù vì thao túng và 7 – 8 năm tù về lừa đảo, tổng hợp từ 11 – 13 năm tù.

Các bị cáo khác cũng bị đề nghị từ 1,5 - 16 năm tù về các tội Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giam-hon-5000-bi-hai-trong-vu-an-trinh-van-quyet-169240729105229303.htm