'Giảm hợp lý' đại biểu Quốc hội ở cơ quan hành pháp
Theo kiến nghị của cử tri Đà Nẵng thì hiện tại tỷ lệ đại biểu của cơ quan hành pháp trong Quốc hội còn quá cao, vắng họp nhiều nhưng khi tham dự họp thì hầu như không có ý kiến...
Theo kiến nghị của cử tri Đà Nẵng thì hiện tại tỷ lệ đại biểu của cơ quan hành pháp trong Quốc hội còn quá cao, dẫn đến tình trạng đại biểu vắng họp, hoặc đi đi về về trong các kỳ họp rất nhiều gây tổn hại cho ngân sách.
Tập hợp trả lời kiến nghị của của tri gửi đến Quốc hội cho biết, cử tri nhận xét, đại biểu của cơ quan hành pháp khi tham dự họp thì hầu như không có ý kiến. Cử tri đề nghị Quốc hội cho biết chủ trương gì để giải quyết vấn đề này?"
Trả lời cử tri, Ban công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) khẳng định, kiến nghị của cử tri đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, xây dựng, đóng góp cho sự phát triển trong hoạt động của Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội nói riêng.
Vấn đề tham dự của đại biểu Quốc hội tại các phiên họp luôn được lãnh đạo Quốc hội quan tâm. Tại mỗi kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đều có văn bản gửi tới các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội về việc đề nghị nhắc nhở các vị đại biểu Quốc hội trong đoàn tham dự đầy đủ các phiên họp, văn bản trả lời nêu rõ.
Ghi nhận ý kiến cử tri, Ban Công tác đại biểu cho biết sẽ tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện quy định: "…Thực hiện tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra; nghiên cứu việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp." (nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10 /2017 của Hội nghị Trung ương 6, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả).
Cũng gửi kiến nghị đến Quốc hội, cử tri tỉnh Quảng Bình đề nghị Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đồng thời, tăng cường giám sát, chỉ đạo hội đồng nhân dân các cấp trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do hội đồng nhân dân bầu đảm bảo khách quan, đúng quy trình, tránh qua loa, hình thức để hoạt động này thực sự có ý nghĩa. Qua đó, làm cơ sở giúp các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ được chính xác.
Ban Công tác đại biểu hồi âm, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 và kỳ họp hội đồng nhân dân các cấp cuối năm 2018, Quốc hội và hội đồng dân nhân các cấp đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh trung thực, khách quan thực tế tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và công tác tư pháp của đất nước, kết quả hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tiến hành tổng kết việc thực hiện nghị quyết 85/2014/QH13. Trên cơ sở đó, Ban Công tác đại biểu sẽ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét để sửa đổi, hoàn thiện các quy định về lấy phiếu tín nhiệm cho nhiệm kỳ sau, văn bản trả lời nêu rõ.