Giảm khai thác, tăng nuôi trồng để phát triển kinh tế biển bền vững

Tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế thủy sản vững theo hướng tăng nuôi trồng, giảm khai thác. Trong đó, tập trung vào phát triển nuôi biển công nghệ cao và chế biến sâu, đa giá trị gắn với bảo tồn biển.

Quảng Ninh đã quy hoạch hơn 45.000ha nuôi biển. Ảnh: Bích Nguyên

Quảng Ninh đã quy hoạch hơn 45.000ha nuôi biển. Ảnh: Bích Nguyên

Xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn

Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên cạn kiệt, sản lượng khai thác giảm mạnh, nhiều ngư dân ở huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã chuyển nghề từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản. Tại xã đảo Quan Lạn, xu hướng giảm khai thác chuyển sang nuôi trồng, đặc biệt là nuôi hàu đã định hình và phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Văn Quân, cư dân của xã đảo này cho hay: “Trước đây, chúng tôi chủ yếu làm nghề khai thác gần bờ. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản suy giảm, thu nhập từ nghề khai thác thủy sản bấp bênh và cứ thấp dần đi theo thời gian. Sau đó, nhận thấy nghề nuôi hàu có tiềm năng hơn, từ năm 2020, gia đình tôi và nhiều hộ dân trên đảo tập trung vào nghề này. Thu nhập mỗi năm của gia đình tôi khoảng vài trăm triệu đồng, tùy theo sản lượng và giá cả của từng mùa nuôi”.

Không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhưng theo anh Quân, nghề nuôi hàu mang lại nguồn thu nhập ổn định và cao hơn nhiều lần so với nghề khai thác thủy sản. Đây cũng là lý do nghề khai thác thủy sản đang dần thu hẹp lại ở Vân Đồn và nghề nuôi trồng thủy sản có cơ hội “lên ngôi”.

Quảng Ninh có hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, có 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh... Đây là một trong những lợi thế sẵn có, nổi bật tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế thủy sản. Trong những nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, Chỉ thị số 13/CT-TU, Chỉ thị số 18/CT-TU và hơn 15 kế hoạch của UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp theo hướng "tăng nuôi trồng, giảm khai thác", tiên phong trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế biển.

Cùng với đó, Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: “Phát triển thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở phát huy lợi thế biển, đảo; hoàn chỉnh hệ thống hậu cần nghề cá, nuôi biển chế biến đồng bộ, hiện đại, xây dựng Quảng Ninh trở thành Trung tâm thủy sản của miền Bắc”. Phát triển thủy sản theo hướng “Giảm khai thác, tăng nuôi trồng, kết hợp hài hòa giữa phát triển thủy sản với các ngành nghề kinh tế khác”. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh quy hoạch hơn 50.000ha nuôi nội địa và hơn 45.000ha nuôi biển chiếm khoảng 12% diện tích nuôi biển quốc gia. Diện tích thu hút đầu tư là 13.400ha. Hiện nay, diện tích đang được các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã khảo sát, nghiên cứu đầu tư là gần 4.000ha; tập trung tại 6 huyện, thành phố: Vân Đồn, Cẩm Phả, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Hạ Long.

Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển của Quảng Ninh đạt được những kết quả nhất định. Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho hay, năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Quảng Ninh đạt 42.292ha; trong đó, nuôi nội địa đạt 32.092ha, nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 175.000 tấn, trong đó, khai thác thủy sản đạt hơn 81.000 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.000 tấn. Giá trị sản xuất đạt 6.943 tỉ đồng, giá trị tăng thêm đạt 3.929 tỉ đồng, chiếm gần 50% giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Gắn nuôi biển công nghệ cao với khai thác chuỗi giá trị

Để khai thác hiệu quả tiềm năng về kinh tế thủy sản, Quảng Ninh đã xác định phát triển thủy sản theo hướng công nghệ cao hình thành chuỗi giá trị lấy doanh nghiệp là nòng cốt, kết nối với 8 cảng cá, 11 cụm công nghiệp chế biến thủy sản tại Quảng yên, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Cô Tô và Móng Cái.

Nghề nuôi hàu mang lại thu nhập ổn định cho người dân ven biển Quảng Ninh. Ảnh: Bích Nguyên

Nghề nuôi hàu mang lại thu nhập ổn định cho người dân ven biển Quảng Ninh. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm nuôi biển của miền Bắc. Quan điểm xuyên suốt của địa phương ven biển này là khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, đảm bảo hài hòa với du lịch, phù hợp với cảnh quan và phát triển văn hóa, con người, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới biển, đảo gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên biển; phát triển nuôi biển công nghệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; kiên quyết khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)...

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh nuôi biển, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung ban hành Đề án phát triển bền vững nuôi biển; thực hiện quản lý hiệu quả, khai thác ổn định bền vững 45.000ha mặt biển đã được quy hoạch. Cùng với đó, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển; đầu tư, đồng bộ hạ tầng nuôi biển; xây dựng chính sách khuyến khích, vận động, hỗ trợ các hộ dân để chuyển đổi sang nuôi biển quy mô lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật cao. Đồng thời tổ chức giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân có khả năng để khai thác nguồn lợi từ biển; tăng cường năng lực cho công tác quản lý và đào tạo nhân lực có tay nghề; phát triển nuôi biển gắn với các ngành kinh tế khác như du lịch để phát huy và khai thác đa giá trị; thu hút các nhà đầu tư lớn dẫn dắt chuỗi giá trị của ngành hàng thủy sản. Đẩy mạnh phát triển thị trường, bao gồm thị trường nội địa và thị trường khu vực với trọng tâm là thị trường Nam Trung Quốc bao gồm các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông trên cơ sở dung lượng của thị trường.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng tạo nguồn vốn ổn định đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi biển. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đánh giá tác động môi trường, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản. Triển khai thực hiện có hiệu quả chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh lĩnh vực thủy sản trong năm 2024 và các năm tiếp theo tạo thành chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, hình thành hệ thống sản xuất - logistic thủy sản hiện đại trên địa bàn tỉnh gắn với hệ thống xuất khẩu chung của cả nước.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giam-khai-thac-tang-nuoi-trong-de-phat-trien-kinh-te-bien-ben-vung-post475697.html