Giảm lãi suất điều hành: 'Mũi tên' trúng nhiều đích

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành không chỉ phù hợp với biến động trong nước và quốc tế, mà còn có tác động vô cùng tích cực đối với một số ngành có đòn bẩy tài chính cao.

"Không bất ngờ với quyết định giảm lãi suất điều hành", đó là nhận định của nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại, bởi quyết định này là phù hợp với định hướng từ đầu năm của NHNN là thận trọng, linh hoạt, theo sát tình hình diễn biến chung của cả kinh tế trong nước và thế giới. Đồng thời, cũng chứng minh được cam kết của NHNN nỗ lực ổn định lãi suất cho vay, khi có điều kiện sẽ giảm lãi suất.

“Bật đèn xanh” để giảm lãi suất cho vay

Nhận xét về động thái giảm 0,5-1% lãi suất điều hành của NHNN có hiệu lực từ 15/3, giới phân tích đánh giá, quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN là rất phù hợp với bối cảnh trong nước và thế giới.

Nhìn ra bên ngoài, sự kiện các ngân hàng Mỹ quy mô vừa và nhỏ dừng hoạt động do nền lãi suất quá cao dự báo cũng sẽ tác động ít nhiều đến các ngân hàng tại Việt Nam, dù ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp.

Quyết định giảm lãi suất điều hành là động thái “bật đèn xanh” để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động, từ đó kéo giảm lãi suất cho vay.

Quyết định giảm lãi suất điều hành là động thái “bật đèn xanh” để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động, từ đó kéo giảm lãi suất cho vay.

Nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng khi Mỹ rơi vào suy thoái. Các lĩnh vực như xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng tại Việt Nam cũng èo uột từ hệ quả của việc tắc nghẽn thanh khoản. Do đó, để kích thích lại nền kinh tế từ đầu tư và tiêu dùng thì cần chi phí vốn rẻ.

Mặt khác, trong bối cảnh USD đang yếu hơn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất ít đi và sớm hạ lãi suất trở lại ngay trong năm 2023 sẽ giúp giảm đáng kể áp lực đối với tỷ giá.

“Việc NHNN tận dụng thời điểm này để cắt giảm lãi suất, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế là một quyết định rất linh hoạt và kịp thời. Động thái này cũng tạo ra dư địa về lãi suất trong trường hợp Fed chuyển hướng diều hâu hơn so với những kỳ vọng của thị trường”, chuyên gia phân tích của BVSC nhận định.

Theo TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, trong các dự báo gần đây, các chuyên gia cũng đều cho rằng, Fed sẽ xem xét lại chính sách tăng lãi suất của mình, tăng nhẹ hơn, thậm chí còn chững lại. Trong nước, tăng trưởng tín dụng chậm lại, người dân thận trọng vay vốn vì lãi suất đang ở mức cao. Vì vậy, việc giảm lãi suất là cần thiết.

“Giảm lãi suất có thể kéo tăng áp lực lạm phát, tuy nhiên mức giảm lãi suất từ 0,5% - 1% sẽ không tác động nhiều đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Trong khi đó, quyết định giảm lãi suất điều hành là động thái “bật đèn xanh” để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động, từ đó kéo giảm lãi suất cho vay”, bà Hoàng Anh chia sẻ thêm quan điểm.

Thực tế, lãi suất huy động đã giảm rõ rệt trong tháng 2/2023. Tại ngày 09/03/2023, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân tại nhóm ngân hàng TMCP tư nhân và nhóm ngân hàng TMCP quốc doanh lần lượt ở mức 7,8%/năm và 7,2%/năm, giảm lần lượt 41 điểm và 20 điểm cơ bản so với thời điểm cuối tháng 1/2023.

Cùng với động thái giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại cũng công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhiều ngành được hưởng lợi

Giới phân tích cho rằng, việc giảm lãi suất sẽ có tác động tích cực đối với một số ngành có đòn bẩy tài chính cao như ngành xây dựng có tỷ lệ vay nợ/vốn chủ sở hữu khoảng 1,18 lần, ngành bán lẻ (1,13 lần), dịch vụ tài chính (1,09 lần), công nghệ thông tin (0,9 lần), điện (0,81 lần), sản xuất thực phẩm (0,74 lần), vật liệu xây dựng (0,63 lần), bất động sản (0,53 lần),...

Chẳng hạn, thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực hơn. Cụ thể, nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng vẫn sẽ được hưởng lợi tâm lý trong ngắn hạn, bởi đây là nhóm bị tác động mạnh từ việc tăng lãi suất. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ bớt căng thẳng hơn. Ngoài ra, nó cũng giảm tác động vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp.

Còn theo ước của các chuyên gia SSI, lãi suất giảm 1% sẽ giúp cho lợi nhuận trước thuế ngành xây dựng tăng khoảng 14% trong điều kiện các nhân tố khác không đổi. Hay như ngành sản xuất và phân phối điện, bán lẻ, vật liệu xây dựng và nội thất cũng hưởng lợi lớn từ động thái giảm lãi suất. Riêng đối với nhóm bất động sản thì tác động tới nhóm bất động sản dân cư sẽ cao hơn so với nhóm bất động sản khu công nghiệp do có tỷ lệ vay nợ cao hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến cho rằng, mức điều chỉnh vẫn còn khiêm tốn. Thời gian tới NHNN cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành, sẽ tác động tích cực đến thị trường và tăng trưởng tín dụng khả quan hơn.

Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, không có lý do gì giảm sâu lãi suất gây sốc cho thị trường. Vì suy cho cùng giảm sâu thì cũng không có tác động nhiều đến nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng chủ yếu kinh doanh trên thị trường 1. Còn trên thị trường 2, lãi suất cũng đang ổn định và đã giảm về mức hợp lý trước khi có quyết giảm lãi suất điều hành.

Lãi suất điều hành thể hiện thông điệp định hướng của NHNN trong việc sẵn sàng cung ứng vốn với chi phí hợp lý cho nền kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, các ngân hàng giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/giam-lai-suat-dieu-hanh-mui-ten-trung-nhieu-dich-1091384.html