Giảm lãi suất điều hành tạo tâm lý tích cực cho doanh nghiệp

Việc giảm lãi suất rõ ràng là 'có tác động tích cực', đó là tín hiệu đảo chiều chính sách của NHNN. Giảm lãi suất tạo tâm lý kỳ vọng tích cực cho người dân doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng 'xuống tiền' nhiều hơn, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá việc giảm lãi suất là động thái khá mạnh dạn của NHNN trong bối cảnh thị trường tài chính biến động.

Đặc biệt, hiện nay, mặt bằng lãi suất thế giới được dự báo có thể còn tăng hết quý II/2024 thì NHNN Việt Nam đã mạnh dạn "đảo chiều" chính sách bằng việc hạ lãi suất, chuyển từ chính sách thắt chặt sang nới lỏng chính sách tiền tệ.

Đây là động thái điều hành thực hiện theo Chỉ đạo của Thủ tướng tại Chính phủ ban hành Nghị quyết 31/NQ-CP ngày 7/3/2023, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp (DN), qua đó phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, đây là điều chỉnh cần thiết khi số liệu thống kê tình hình DN trong 2 tháng năm 2023 cho thấy còn nhiều khó khăn. thách thức.

TS. Cấn Văn Lực phân tích một số cơ sở để NHNN tính toán thực hiện giảm lãi suất lần này.

Thứ nhất là thực tế áp lực lãi suất tỉ giá từ bên ngoài đã và đang giảm dần, nhất là sau sự cố Ngân hàng SVB của Mỹ, nhiều ngân hàng trung ương (NHTW), trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất.

Dù dự báo, Fed có khả năng tăng nhẹ lãi suất trong kỳ hạn tới, cơ bản tăng hết quý II/2023 nhưng sau đó đà tăng có thể sẽ dừng lại, thậm chí có thể cân nhắc đảo chiều chính sách từ quý II/2024.

Các ngân hàng thương mại nhà nước đồng loạt hạ lãi suất - Ảnh: VGP/HT

Các ngân hàng thương mại nhà nước đồng loạt hạ lãi suất - Ảnh: VGP/HT

Thứ hai, bước đi này của NHNN phù hợp diễn biến của thị trường trong nước khi thanh khoản hệ thống có nhiều cải thiện thời gian qua, trong đó thanh khoản các ngân hàng dồi dào hơn. Thanh khoản tốt là điều kiện để một số tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng như giảm lãi suất cho vay để thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN.

Thứ ba, dưới góc độ vĩ mô, mặc dù lạm phát còn cao nhưng đã bắt đầu giảm nhiệt từ tháng 2 vừa qua.

Ông Cấn Văn Lực cho rằng việc giảm một số loại lãi suất điều hành tạo điều kiện để các TCTD tiếp tục giảm lãi suất huy động. Đây cũng là cơ sở để các TCTD hạ lãi suất cho vay. Từ đó, hỗ trợ một phần chi phí lãi suất, giúp giảm chi phí đầu vào chung của DN, nhất là những DN vay nhiều đang gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, các DN cũng cần lưu ý NHNN đang chỉ đạo tập trung hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nhiều hơn vào các khoản tín dụng ngắn hạn bằng VND hay hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, việc hỗ trợ có định hướng chứ không phải tất cả các lĩnh vực.

Ở chiều ngược lại, việc giảm lãi suất huy động có thể ảnh hưởng nhỏ đến người gửi tiết kiệm. Dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm hơn thời gian qua nhưng ông Cấn Văn Lực cho rằng người dân sẽ vẫn tiếp tục gửi tiền, vì đây là kênh đầu tư vẫn khá hấp dẫn, nhất là các kênh đầu tư khác sinh lời không đơn giản trong bối cảnh hiện nay.

Không chỉ tác động giảm lãi suất, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng việc giảm lãi suất rõ ràng là "có tác động tích cực" về tâm lý, đó là tín hiệu đảo chiều chính sách của NHNN.

"Với kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm thời gian tới kể cả ngắn hạn, trung, dài hạn, tạo tâm lý tích cực cho người dân DN nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền nhiều hơn, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển", TS. Cấn Văn Lực nói.

Trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực nêu 3 kiến nghị để chính sách hạ lãi suất phát huy tối đa hiệu quả.

Thứ nhất, về vĩ mô, dù lạm phát bắt đầu giảm nhiệt từ đầu tháng 2, tuy nhiên còn mức cao, đỉnh lạm phát trong quý I chỉ có thể giảm nhiệt ở quý II, do đó, không nên chủ quan với lạm phát.

Thứ hai, cần tiếp tục phối hợp chính sách tài khóa tích cực hơn với chính sách tiền tệ, tranh thủ tạo sự cộng hưởng. Từ đó, hướng tới mục tiêu kép là ổn định giảm dần mặt bằng lãi suất hỗ trợ tăng trưởng nhưng vẫn kiểm soát lạm phát như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh, xóa bỏ các rào cản pháp luật, quy trình thủ tục hành chính, nhất là với một số lĩnh vực tác động lớn như đất đai, bất động sản (BĐS), xây dựng, đấu thầu, qua đó, có các giải pháp đồng bộ giúp DN giảm khó khăn thách thức thời gian tới.

Trước đó, trong lĩnh vực BĐS, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh đã thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Các dự án nhà ở xã hội đạt yêu cầu có thể được hưởng lãi suất thấp hơn từ 1,5-2,0% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng NHNN và Bộ Xây dựng cần phối hợp sớm có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện để các TCTD triển khai các chương trình tín dụng thương mại ưu đãi, tháo gỡ khó khăn cho các DN BĐS đi đôi với đáp ứng nhu cầu thực của người mua nhà, nhất là phân khúc nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, thực hiện tốt Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững...

Trong Nghị quyết 33 của Chính phủ, Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện cho các DN, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các DN BĐS khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…); tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án BĐS nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, BĐS phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch…

Bắt đầu từ 15/3, lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng của 4 NHTM Nhà nước VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank sẽ chỉ ở mức 7,2% thay vì 7,4% như trước và đây là mức thấp nhất thị trường hiện nay.

Trong tuần trước, cả 4 ngân hàng này cũng đã đồng loạt giảm 0,2% ở kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 6% xuống còn 5,8% tháng so với cuối tháng 2/2023; từ trên 12 tháng đến trên 36 tháng từ 7,4% xuống còn 7,2%.

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/giam-lai-suat-dieu-hanh-tao-tam-ly-tich-cuc-cho-doanh-nghiep-102230315150322766.htm