Giảm lãi suất, gỡ cơ chế cho doanh nghiệp tiếp cận vốn
Trong những tháng cuối năm, hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai nhiều phương án để điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến thực tế, cũng như đẩy mạnh cung ứng vốn ra thị trường.
Điều hành tỷ giá linh hoạt, theo sát biến động giá vàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành văn bản số 5596/NHNN-VP gửi các đơn vị thuộc NHNN; các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020.
Đánh giá về tình hình thị trường những tháng cuối năm 2020, NHNN cho rằng, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường trên phạm vi toàn cầu, có thể đẩy kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sâu và tác động nặng nề đến kinh tế trong nước trên nhiều phương diện, khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới và có độ mở kinh tế lớn (tương đương 200% GDP).
Ở trong nước đã và đang phải ứng phó với tình hình tái dịch Covid-19, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương…, những diễn biến này tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến điều hành chính sách vĩ mô nói chung và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng nói riêng.
Thống đốc yêu cầu, đối với các đơn vị thuộc NHNN, nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin chính thức về diễn biến mới của dịch Covid-19 và chỉ đạo của các cấp, các ngành và các địa phương để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động xây dựng, áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, thông suốt, đặc biệt là các hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán của NHNN.
Về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, bám sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để dự báo, đánh giá tình hình và kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ. Kiến nghị, đề xuất kịp thời với Ban điều hành giá của Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành hợp lý nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Theo dõi sát diễn biến thị trường để chủ động điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Theo sát biến động giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thông tin, khuyến cáo người dân, ổn định tâm lý thị trường, không để ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô.
Giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất
Tính đến hết tháng 7/2020, huy động vốn tăng trên 5,4%, tín dụng toàn hệ thống tăng trên 3,5% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,13%). Tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương, làm tăng thêm khó khăn cho nền kinh tế, NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, TP cần tập trung cao độ chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt, mạnh mẽ các giải pháp nêu tại 01/2020/TT-NHNN và chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh, TP đa dạng các hình thức tổ chức kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng, góp phần thúc đẩy, phục hồi kinh tế.
Ngoài ra, TCTD tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; Chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản.
Đề xuất các giải pháp tín dụng phù hợp, đảm bảo thanh khoản thị trường, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định và tạo điều kiện giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất. Đồng thời, tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.
Kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực rủi ro
Đặc biệt, NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Khẩn trương xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 đối với các TCTD đáp ứng tốt các tỷ lệ bảo đảm an toàn và có khả năng mở rộng tín dụng nhưng không làm tăng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông…
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giam-lai-suat-go-co-che-cho-doanh-nghiep-tiep-can-von-392750.html