Giảm lãi suất, ngân hàng đứng trước áp lực suy giảm tiền gửi
Sau 3 đợt cắt giảm liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất điều hành đã giảm về mức trước Covid-19. Lãi suất cho vay dự kiến giảm về mức trước dịch sau vài tháng nữa, khi các ngân hàng thương mại 'hấp thụ' hết lượng vốn giá cao trước đây.
Lãi cho vay cần thêm vài tháng nữa để hạ nhiệt
Từ ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức giảm thêm một loạt lãi suất điều hành trong bối cảnh kinh tế thế giới có biểu hiện suy thoái, lạm phát trong nước hạ nhiệt từ đỉnh, doanh nghiệp suy yếu. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ 3 liên tiếp từ đầu năm đến nay. Với mức cắt giảm lần này, trần lãi suất huy động trở về mức trước khi Covid-19 diễn ra. Tuy vậy, theo tính toán của các chuyên gia phân tích, lãi suất cho vay bình quân vẫn cao hơn trước dịch khoảng 1%.
Việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành cho thấy quyết tâm của nhà điều hành trong giảm lãi suất cho vay. Trong 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm đến nay, có tới 2 lần giảm trần lãi suất huy động. Giảm trần lãi suất huy động là cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm lãi suất cho vay. Ngay sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, lãi suất cho vay cần thêm vài tháng nữa mới có thể hạ nhiệt.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định, giảm lãi suất sẽ hỗ trợ tích cực tới doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy vậy, lãi vay chưa thể giảm ngay, mà cần thêm vài tháng nữa, khi ngân hàng “hấp thụ” hết nguồn vốn huy động với giá cao trước đây.
Cùng với động thái hạ lãi suất điều hành, NHNN cũng ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Hôm qua (25/5), NHNN cũng họp khẩn với các tổ chức tín dụng, quán triệt tinh thần giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.
Mặc dù việc giảm lãi suất được các doanh nghiệp vui mừng, song trong bối cảnh đơn hàng giảm 30 - 40% như hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong chờ được cơ cấu nợ, giãn nợ hơn là tiếp cận vốn mới. Với tình hình này, nhiều khả năng tín dụng cũng chưa thể bật tăng trở lại dù lãi suất cho vay có giảm thêm 1-2% nữa.
Hiện nay, NHNN đang thúc các ngân hàng thương mại nhanh chóng triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Mặc dù vậy, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng được cơ cấu nợ. “Việc cơ cấu nợ không chỉ tùy thuộc vào khả năng trả nợ nếu được cơ cấu của doanh nghiệp, mà còn tùy thuộc vào năng lực tài chính của ngân hàng”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Ngân hàng đứng trước áp lực suy giảm tiền gửi
Mặc dù NHNN cho biết thanh khoản hệ thống đang dồi dào, song thực tế, ngoại trừ nhóm big 4, rất nhiều ngân hàng TMCP nhỏ đang chịu áp lực lớn về huy động vốn. Ngoài cho vay, các ngân hàng đang rất “khát” vốn để xử lý nợ xấu, tái cơ cấu... Đây là lý do vì sao một số ngân hàng vẫn duy trì lãi suất tiền gửi xấp xỉ 9% trên thị trường.
Cùng với động thái hạ lãi suất điều hành, NHNN cũng ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Hôm qua (25/5), NHNN cũng họp khẩn với các tổ chức tín dụng, quán triệt tinh thần giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.
Dù từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng chậm, song tốc độ tăng trưởng vẫn cao hơn nhiều tốc độ huy động vốn. Theo NHNN, tăng trưởng huy động vốn đến ngày 27/4/2023 chỉ đạt 1,78% so với đầu năm, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%
TS. Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế cho biết, quý I/2023, huy động vốn ngành ngân hàng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm trở lại đây. Huy động vốn khu vực tổ chức kinh tế giảm trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của doanh nghiệp; những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân. Rất có thể, tình hình này sẽ còn gia tăng thời gian tới.
Thanh khoản ngân hàng đang khá tốt, được hỗ trợ lớn bởi nguồn đầu tư công chưa thể giải ngân (nguồn tiền này chủ yếu nằm ở NHNN và nhóm big 4). Xét trên toàn thị trường, các ngân hàng không dư giả vốn. Cũng theo số liệu mà NHNN cung cấp, trong 4 tháng đầu năm, các ngân hàng đã sử dụng gần như tối đa nguồn huy động cho phép để cho vay (chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND chỉ vỏn vẹn 167.000 tỷ đồng); tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1 bằng VND ở mức 101,45% (tức tiền ngân hàng cho vay cao hơn cả tiền huy động trên thị trường 1). Trong đó, vốn huy động của ngân hàng có tới 88% là ngắn hạn, tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn lớn.
Thêm vào đó, theo các chuyên gia phân tích, dư địa để NHNN giảm thêm lãi suất điều hành thời gian tới là khá eo hẹp, do trần lãi suất huy động hiện tại đã bằng với lạm phát cơ bản trong nước. Người dân vẫn luôn có tâm lý kỳ vọng lãi suất thực dương, nên lãi suất giảm sâu, có thể tiền sẽ chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng.
“Nếu giảm sâu quá thì thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn do người dân thấy tiền gửi lãi suất thấp sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Mặc dù lãi suất cho vay có thể giảm thêm thời gian tới, song với sức khỏe doanh nghiệp yếu đi, điều kiện giải ngân không được “nới”, nhiều khả năng tín dụng sẽ tiếp tục tăng chậm.
Nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, chỉ giảm lãi suất chưa thể cứu doanh nghiệp mà cần thêm các giải pháp đồng bộ khác như giảm thuế, tăng an sinh xã hội… để kích cầu, tăng tổng cầu cho nền kinh tế, bù đắp phần nào sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài.
Về phía ngân hàng, sau 2 năm “đỉnh cao” về lợi nhuận, năm nay các ngân hàng cũng phải chấp nhận giảm lợi nhuận để đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải sẵn sàng các giải pháp về nguồn vốn trong bối cảnh tiền gửi có nguy cơ giảm đi.