Giảm lãi suất, tạo thuận lợi để khách hàng tiếp cận vốn tín dụng

Dịch COVID-19 trong nước đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tiếp tục thực hiện giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng hợp lý.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương, chi nhánh Ninh Bình.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương, chi nhánh Ninh Bình.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, sản xuất công nghiệp trong tỉnh từ đầu năm đến nay gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nhất là nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, ấn Độ, Hàn Quốc; lưu thông hàng hóa bị hạn chế, một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp nhỏ phải cắt giảm lao động. Một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có mức giảm sút đáng kể như linh kiện điện tử ước đạt 75,3 triệu sản phẩm, giảm 15,1%; tai nghe điện thoại di động 3,1 triệu sản phẩm, giảm 56%; găng tay 2,3 triệu sản phẩm, giảm 37,9%,…

Một số dịch vụ chịu tác động của dịch Covid-19, nhất là dịch vụ du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng; hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn về thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông sản phần lớn xuất khẩu sang các các nước chịu tác động lớn của dịch Covid-19 như Nhật Bản, EU và các nước Liên minh kinh tế á - Âu.

Thực tế cho thấy, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã thực thi rất nhiều giải pháp nhằm ổn định tăng trưởng kinh tế nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh đã chấp thuận giải thể 67 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, tăng 15% so với cùng kỳ. Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tân Phú, Chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Emeralda resort Ninh Bình cho biết: Nhà nước cần có giải pháp hữu hiệu hơn đối với các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các giải pháp về tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và đợi cơ hội phục hồi sau đại dịch. Trong lúc này các giải pháp về giảm tiền điện chỉ mang ý nghĩa hình thức vì các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú hầu hết đã không còn hoạt động kinh doanh nên không phát sinh nhiều tiền điện. Việc cần nhất lúc này là nguồn vốn ưu đãi để trả lương cho người lao động, duy trì số lao động chất lượng cao gắn bó với doanh nghiệp. Đồng thời cơ cấu lại các khoản nợ cũ để doanh nghiệp du lịch giảm bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Nhìn nhận lại những thách thức mà nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đang phải đối diện, ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, ngành ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, hạ lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn căn cứ vào năng lực, khả năng tài chính của đơn vị để tính toán, thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng và các biện pháp hỗ trợ khác. Trong đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Cùng với Ngân hàng CSXH tỉnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai cho vay theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đến nay, số dư nợ khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19 xác định còn 3.376.159 triệu đồng. Các tổ chức tín dụng đã tiến hành hỗ trợ cho khách hàng bằng hình thức: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 249 khách hàng với dư nợ là 1.336.639 triệu đồng; miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 50 khách hàng với dư nợ là 214.996 triệu đồng, số tiền lãi được miễn giảm là 349 triệu đồng. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng tiến hành cho vay mới đối với 3.381 khách hàng với tổng dư nợ đạt 3.014.756 triệu đồng.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ngân hàng trên địa bàn cũng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân với mức lãi suất hợp lý. Đến hết tháng 6/2021 tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đạt 92.416 tỷ đồng, tăng 4,9% so với đầu năm, với mức lãi suất dưới 7% chiếm 14,7%; lãi suất từ 7% đến dưới 9% chiếm 33,6%; lãi suất từ 9-11% chiếm 39%; lãi suất trên 11% chiếm 12,7%.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng cấp trên, từ ngày 15/7/2021 nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cũ tối đa là 1% như Sacombank, Agribank, Vietcombank... Ông Hoàng Huy Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Ninh Bình cho biết: Đây là đợt giảm lãi lớn nhất của Vietcombank trong năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, Vietcombank tiến hành giảm lãi suất cho tất cả các khách hàng vay. Đối với doanh nghiệp, giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, giảm lãi suất 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.

Với những giải pháp thiết thực về tín dụng để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn hiện nay, ngành ngân hàng đang nhận khó về mình. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng đi đôi với việc mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả phải nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, sai phạm như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng có liên quan đến bất động sản, đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong và sau dịch bệnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giam-lai-suat-tao-thuan-loi-de-khach-hang-tiep-can-von-tin/d20210719202510322.htm