Giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước: Có nên lạm dụng 'liều thuốc' ngắn hạn?

Việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là 'liều thuốc' khá hữu hiệu nhưng ngành công nghiệp ô tô cần biện pháp bền vững hơn.

Người tiêu dùng ''chờ đợi'' chính sách như thói quen

Vấn đề giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước luôn được người dân quan tâm trong 2 tháng vừa qua. Doanh nghiệp sản xuất ô tô cũng mong chờ chính sách giảm lệ phí trước bạ để có thể cắt giảm các chương trình khuyến mại mà họ phải liên tục ''gồng gánh''.

Doanh nghiệp ô tô trong nước liên tục giảm giá để kích cầu thị trường. Ảnh: Hyundai

Doanh nghiệp ô tô trong nước liên tục giảm giá để kích cầu thị trường. Ảnh: Hyundai

Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh số ô tô toàn thị trường giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, các nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam chỉ đang hoạt động với 40% công suất trong nửa đầu năm 2024.

Các thương hiệu phổ thông và hạng sang đều đang đặt nhà máy tại Việt Nam, điển hình như Toyota, Honda, Mitsubishi, Mercedes - Benz, BMW, Peugeot. Vì vậy, nếu các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam không có những biện pháp kịp thời để bảo hộ ngành công nghiệp ô tô, việc sản lượng đang giảm dần như hiện nay sẽ trở nên hết sức nguy hiểm.

Nhìn ra Thái Lan, các hãng xe Nhật Bản đều phải đóng cửa một số nhà máy dẫn tới việc từ tháng 7/2023 - tháng 6/2024, khiến khoảng 50.000 người mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình kinh tế - xã hội.

Hiện nay, một số ý kiến cho rằng việc giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ ảnh hưởng tới sự công bằng đối với dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc. Tuy nhiên, trong tháng 1/2023, Chính phủ Việt Nam đã gia hạn thời gian áp dụng thuế 0% đối với ô tô nhập khẩu từ các nước trong nội khối ASEAN thêm 5 năm nữa, tức là đến hết năm 2027.

Trong khi đó, đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu, theo thông tin đăng tải trên trang chủ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Việt Nam, bước sang năm 2024, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô con từ EU về Việt Nam sẽ giảm xuống, cao nhất chỉ còn 42,5%. Giá nhiều mẫu xe sang sẽ tiếp tục giảm lên tới 80 triệu đồng so với năm 2023.

Như vậy, có thể khẳng định rằng Việt Nam đang có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả dòng xe nhập khẩu từ nước ngoài, giúp họ có thể cạnh tranh trực tiếp với ô tô sản xuất trong nước.

Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước là thúc đẩy sử dụng xe chạy động cơ đốt trong, đi ngược lại với cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam về cắt giảm khí thải, nhưng nhận định này là hoàn toàn không có cơ sở vì Việt Nam đã có lộ trình rõ ràng trong việc giảm khí thải.

TS. Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) chỉ ra rằng: Giai đoạn từ năm 2023 - 2030, các dòng xe động cơ đốt trong vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ yếu và chiếm tỷ trọng lớn trong cả sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ: Việc giảm phí trước bạ ô tô là một trong những biện pháp mà nhiều năm qua chúng ta đã thực hiện và nó đã phát huy được tác dụng tốt đối với hoạt động tiêu thụ xe sản xuất và lắp ráp trong nước.

Với những luận điểm kể trên, việc giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới vẫn được nhận định là thiết thực, kịp thời trong bối cảnh hiện nay mặc dù trước đó Chính phủ Việt nam đã từng 3 lần áp dụng chính sách này. Đây được ví như một ''liều thuốc'' giúp ngành công nghiệp sản xuất ô tô ổn định sản lượng, góp phần gia tăng Tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Cần một chính sách dài hơi, bền vững

Để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có một ''cơ thể cường tráng'', chắc chắn không thể lạm dụng những "liều thuốc" tác dụng trong ngắn hạn.

Ưu tiên gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm giá xe lắp ráp trong nước. Ảnh: Chinhphu.vn

Ưu tiên gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm giá xe lắp ráp trong nước. Ảnh: Chinhphu.vn

Việc giảm phí trước bạ là việc cần thiết nhưng không thể thay đổi hẳn được sự khó khăn của ngành ô tô lắp ráp trong nước. Về lâu dài Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách tăng tỉ lệ nội địa hóa, khuyến khích đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô để gia tăng sản xuất các linh phụ kiện trong nước. Đặc biệt, các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp cho việc hạ giá thành sản xuất ô tô, thúc đẩy thị trường sôi động và bền vững hơn là những chính sách mang tính thời điểm.

Theo dữ liệu từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp Việt Nam mới sản xuất, gia công được chưa đến 300 chi tiết, trong khi cả chiếc ô tô có khoảng 30.000 chi tiết, linh kiện. Và hàm lượng công nghệ, giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này chưa cao, vẫn chỉ là những linh kiện đơn giản, thâm dụng nhân công như: ghế, vành bánh xe, ốp cửa. Trong khi đó, các linh kiện còn lại chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu, khiến chi phí sản xuất cao hơn.

Do đó, việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ là hết sức quan trọng. Và trong thời gian tới, bên cạnh việc giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh chính sách về thuế, phí, lệ phí theo hướng ưu đãi, hỗ trợ cho tỷ lệ giá trị nội địa hóa đối với dòng sản phẩm này.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giam-le-phi-truoc-ba-o-to-san-xuat-lap-rap-trong-nuoc-co-nen-lam-dung-lieu-thuoc-ngan-han-337285.html