Giảm lượng phát thải, xây dựng thành phố xanh

Dự án xây dựng thành phố carbon thấp cho Đà Lạt đang đi vào phase 2, với những nghiên cứu cụ thể và hướng đi phù hợp cho thành phố du lịch này. Qua đó, hướng tới tương lai một thành phố phát triển bền vững, một tầm nhìn cấp cao trong thiết kế thành phố carbon thấp đang được xây dựng tại Đà Lạt.

Quản lý, vận hành hiệu quả lưới điện ở Điện lực Lâm Đồng

Quản lý, vận hành hiệu quả lưới điện ở Điện lực Lâm Đồng

Theo nhóm chuyên gia xây dựng kế hoạch thành phố carbon thấp cho Đà Lạt đánh giá, về cơ bản, Đà Lạt là một thành phố du lịch kết hợp nông nghiệp. Nhóm cũng đánh giá, về mặt năng lượng, điện là nguồn năng lượng chính cho các công trình kiến trúc và mức độ điện khí hóa là gần 100%. Tuy nhiên, nhận thức hạn chế về hệ thống quản lý năng lượng trong xây dựng dẫn đến việc sử dụng năng lượng tái tạo như máy nước nóng năng lượng mặt trời, điện mặt trời chưa phổ biến. Về nông nghiệp, sử dụng 100% máy bơm điện, không có máy bơm năng lượng mặt trời cũng như các ứng dụng năng lượng tái tạo khiến sản xuất nông nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng. Vận tải hành khách chủ yếu là xe chạy bằng năng lượng hóa thạch như xăng, dầu. Qua đánh giá thực tế, nhóm chuyên gia cho rằng, Đà Lạt vẫn còn dư địa để phát triển năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả và ít ảnh hưởng tới môi trường.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Chính quyền Lâm Đồng cam kết thực hiện mọi biện pháp để xây dựng thành phố carbon thấp

Lâm Đồng cam kết với APEC sẽ thực thi mọi biện pháp để xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố carbon thấp. Trong đó, 5 mục tiêu chủ yếu về quản lý giao thông, năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp và xử lý chất thải là 5 mục tiêu Lâm Đồng đã và đang hướng tới để giữ gìn môi trường Đà Lạt. Mọi biện pháp xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố carbon thấp sẽ được chính quyền và Nhân dân Đà Lạt thực hiện hiệu quả, nhằm hướng tới xây dựng một thành phố xanh bền vững.

Chuẩn bị cho chiến lược phát triển carbon thấp, APEC hướng tới cho Đà Lạt những mục tiêu như xây dựng một tầm nhìn cấp cao trong thiết kế thành phố carbon thấp, xây dựng kịch bản cho đường cơ sở phát thải CO2, giảm phát thải CO2 và các mục tiêu về môi trường; hướng dẫn chuyển đổi carbon thấp trong các lĩnh vực để lựa chọn, chọn các biện pháp giảm phát thải CO2 và chi phí cho các biện pháp được lựa chọn. Ngoài ra, nhóm cũng đề xuất phương pháp thực hiện các biện pháp được lựa chọn cùng với các nguồn tài trợ khả thi. Với Đà Lạt, ưu tiên được nghiên cứu là nâng cao chất lượng sử dụng năng lượng, chủ yếu là hệ thống quản lý năng lượng bao gồm giao thông vận tải, hệ thống đa năng lượng, năng lượng tái tạo và năng lượng chưa được khai thác. Xét trên điều kiện đặc thù của Đà Lạt cũng như những mục tiêu thành phố hướng tới, Đà Lạt phải đảm bảo phát triển nền kinh tế Carbon thấp, phát thải thấp hơn và hấp thụ khí nhà kính cao hơn. Chỉ số phát thải nhà kính trở thành chỉ số quan trọng của phát triển kinh tế xã hội. Các can thiệp đặc thù để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính được áp dụng vào các lĩnh vực sản xuất điện, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và quản lý chất thải. Kế hoạch cụ thể của Đà Lạt là giảm cường độ phát thải khí nhà kính tới năm 2020 là 196,25 ngàn tấn CO2, xanh hóa sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng “sạch hơn”, thúc đầy tiêu dùng bền vững, giảm thiểu mức độ thiệt hại môi trường.

Với Đà Lạt, cần áp dụng các biện pháp cụ thể trước mắt như cung cấp máy biến áp hiệu suất cao cho lưới điện, hỗ trợ triển khai máy nước nóng và điện mặt trời, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng điện đồng thời tăng cường sử dụng các nhiên liệu sinh học. Đặc biệt, việc trồng rừng được nhấn mạnh với Đà Lạt đồng thời với việc tuyên truyền lối sống xanh và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Những biện pháp này sẽ giúp tăng cảnh quan đô thị xanh, hạn chế đô thị hóa do đó dẫn đến các bể chứa carbon tự nhiên phát triển trong giới hạn thành phố. Việc xây dựng chiến lược Carbon thấp cho Đà Lạt phải xem xét tới yếu tố quy hoạch bền vững đi đôi với phát triển.

Được biết, xây dựng thành phố Carbon thấp là một hoạt động của Khu vực hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC) hỗ trợ các thành phố thuộc 21 quốc gia thành viên giữ gìn môi trường đô thị. Năm 2019, Đà Lạt của Việt Nam và Davao của Philippin là 2 thành phố tham gia Dự án sau 7 thành phố được triển khai đợt 1. Xây dựng thành phố Carbon thấp là hoạt động hướng tới việc xây dựng các đô thị bền vững, trong đó việc phát triển song song với việc đảm bảo môi trường bền vững, nâng cao chất lượng sống của cư dân trogng quá trình đô thị hóa.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201910/chien-luoc-carbon-thap-cho-da-lat-giam-luong-phat-thai-xay-dung-thanh-pho-xanh-2970222/