Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội còn 15 năm: Lương hưu thấp nhưng 'có còn hơn không'
Trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hộ 2014, thời gian qua có khoảng 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu không đủ năm đóng bảo hiểm xã hội 20 năm để hưởng lương hưu; phải lựa chọn đóng một lần cho đủ thời gian còn thiếu để hưởng chế độ hưu trí...
Chiều 16/3, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo thông tin dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Vấn đề giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần là những nội dung được quan tâm nhiều tại cuộc họp báo.
LƯƠNG HƯU THẤP NHƯNG "CÓ CÒN HƠN KHÔNG"
Trao đổi rõ hơn về nội dung giảm năm đóng bảo hiểm xuống còn 15 năm, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) lý giải, quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.
“Quy định mới sẽ mở thêm cơ hội cho các nhóm đối tượng mới này được hưởng lương hưu, còn với những nhóm đối tượng khác có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì sẽ được hưởng mức lương hưu cao hơn”, ông Cường chia sẻ.
Theo số liệu thống kê trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thời gian qua có khoảng 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu không đủ năm đóng bảo hiểm xã hội 20 năm để hưởng lương hưu, bản thân họ đã phải lựa chọn đóng một lần cho đủ thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, khoảng 300.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua là người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 10 năm trở lên.
“Như vậy, với việc dự thảo Luật sửa đổi quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội như trên sẽ tạo cơ hội cho các nhóm đối tượng khác nhau có cơ hội được hưởng lương hưu. Mặc dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có số năm đóng bảo hiểm xã hội dài (từ 20 năm trở lên), nhưng họ sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng. Thứ hai là mức lương hưu luôn được điều chỉnh định kỳ khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu, thứ ba là trong thời gian hưởng lương hưu thì được đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm y tế”, ông Cường phân tích.
Việc sửa đổi lần này cũng góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người hơn được hưởng lương hưu; khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, xu hướng nhiều quốc gia trước đây cũng quy định thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu thì hiện nay các quốc gia này đều đã có điều chỉnh giảm.
Trước những lo ngại về việc mức hưởng lương hưu thấp và gia tăng số lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi giảm năm đóng, ông Cường cho biết, cơ quan soạn thảo luật sẽ tiếp tục nghiên cứu để có phương án hài hòa hơn, “mục tiêu là có nhiều người được hưởng luơng hưu nhưng không làm gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần”.
“Việc giảm năm đóng chủ yếu hướng đến nhóm tham gia bảo hiểm xã hội muộn, thường có thời gian đóng dưới 20 năm. Như vậy, mức lương hưu chắc chắn sẽ phải thấp hơn nhóm đóng trên 20 năm, rõ ràng mức lương hưu cao hay thấp còn phụ thuộc vào thời gian đóng dài hay ngắn. Tuy nhiên, nếu xem xét so với trước đây nhóm đóng dưới 20 năm không có điều kiện hưởng lương hưu thì nay họ sẽ cơ hội hưởng lương hưu, dù mức thấp vẫn tốt hơn không có”, ông Cường tái khẳng định.
Song để đảm bảo quyền lợi hài hòa cho người lao động, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cho rằng, sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ đi liền, chứ không phải chỉ dựa vào sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.
KHUYẾN KHÍCH BẢO LƯU SỐ NĂM ĐÓNG ĐỂ HƯỞNG LƯƠNG HƯU
Liên quan đến hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần, một là giữ như quy định hiện hành và phương án còn lại là được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo ông Cường, các phương án được cơ quan soạn thảo đưa ra trong bối cảnh mỗi năm bình quân có 700.000 người hưởng bảo hểm một lần và có xu hướng ngày càng gia tăng, làm mất đi cơ hội để hưởng lương hưu. Người rút bảo hiểm xã hội một lần cơ bản sẽ bị thiệt thòi các quyền lợi về hưu trí sau này. Do đó, ở lần sửa đổi này, chính sách bảo hiểm xã hội một lần sẽ gia tăng quyền lợi hơn để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng, và hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần.
“Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng bảo hiểm xã hội một lần”, ông Cường nói.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phân tích, nếu hiện số năm tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu thì theo dự thảo Luật sắp tới sẽ có rất nhiều sự lựa chọn.
"Cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ quan an sinh xã hội sẵn sàng chờ người lao động quay lại thị trường lao động, có việc làm, có thu nhập để cộng nối thời gian đóng, sau này được hưởng lương hưu. Phương án hai là được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho những năm còn thiếu để cộng vào cho đủ điều kiện hưởng lương hưu. Hiện tối thiểu cần 20 năm, nhưng nếu dự thảo Luật thông qua, sau này chỉ cần 15 năm sẽ được hưởng lương hưu", ông Sơn phân tích.
Bên cạnh đó, người lao động sẽ được hưởng lương hưu trước khi đến tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Hiện theo quy định 80 tuổi mới được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng, nhưng sau này đối với những người rút bảo hiểm xã hội nhưng còn thời gian chưa đủ 15 năm thì trước năm 80 tuổi sẽ được hưởng trợ cấp từ quỹ hưu trí và tử tuất.
"Với các phương án như vậy, người lao động có thể yên tâm về quyền lợi của mình nếu chưa rút bảo hiểm xã hội một lần. Nghĩa là cơ quan an sinh xã hội chỉ giữ hộ cho người lao động số tiền đó thôi, tiền của người lao động vẫn là của họ, sau này họ cũng có rất nhiều lựa chọn, nên đừng vội vàng rút để sau này hối tiếc. Bởi có rất nhiều người bây giờ muốn nộp lại số tiền trước đây đã rút để được hưởng chế độ nhưng không được nữa", Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến đến hết tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.