Giảm năm đóng BHXH thì phải giảm tuổi hưu

Theo nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động, chính sách BHXH phải hài hòa, giảm năm đóng BHXH thì cũng cần giảm tuổi nhận lương hưu.

Dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-2023. Trong dự thảo này, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

Xung quanh đề xuất này, nhiều bạn đọc cho rằng cốt lõi của vấn đề là giảm tuổi lao động chứ không phải là giảm số năm đóng BHXH. Bạn đọc Võ Thị Kim Phượng nhận xét: "Cách đặt vấn đề của bài viết là xác đáng. Theo tôi cứ lấy mốc 50 là tuổi tối thiểu hưởng lương hưu, ai đủ 15 năm đóng BHXH thì hưởng lương hưu, hưởng ít cũng được. Ai muốn hưởng nhiều thì tiếp tục làm hãy cho chúng tôi quyền lựa chọn".

Tương tự, bạn đọc Nguyễn Thu bày tỏ: "Bài viết thiết thực hướng tới quyền lợi của người lệ đóng BHXH. Khoảng 7 năm nay chế độ bhxh có nhiều thay đổi bất lợi cho người lao động về việc tăng mức đóng, tăng năm đóng, tăng tuổi nghỉ hưu. Giờ giảm năm đóng là hướng đến lợi ích xã hội để NLĐ không rút 1 lần nhưng ngửa mặt chờ tuổi hưởng hưu trong khi tuổi thọ con người là xu hướng giảm vi bệnh tật ngày càng gia tăng còn tuổi hưu lại tăng".

Theo một bạn đọc tên Hoàng, đề xuất trên chỉ có ý nghĩa hạn chế người lao động rút BHXH một lần. Giảm năm đóng mà không giảm tuổi nghỉ hưu thì không có ý nghĩa gì. Đồng quan điểm, một bạn đọc giấu tên cho rằng đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH nếu khả thi càng thúc đẩy NLĐ rút BHXH một lần ngày càng nhiều. Tương tự, bạn đọc Trần Văn Kiệt cũng bày tỏ: "Giảm tuổi nghỉ hưu không giảm mà đi giảm năm đóng bảo hiểm thì có ý nghĩa gì". Cùng góc nhìn, bạn đọc Lê Thị Như nói: "Không thể giảm được việc rút BHXH 1 lần nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện nay".

Một bạn đọc Tuấn góp ý: "Đúng là giảm năm đóng cũng chẳng giải quyết được gì, nên giữ nguyên đóng 20 năm đủ thì được hưởng lương hưu nhưng không quy định độ tuổi nghỉ hưu, nếu đóng đủ 20 năm thì được hưởng lương hưu, còn nếu đóng nhiều năm hơn 20 năm thì mức hưởng nhiều hơn"

Góp ý hoàn thiện chính sách BHXH, nhiều bạn đọc đề nghị giảm tuổi lao động để khi được nghỉ hưu còn có cơ hội cầm sổ hưu. "Tuổi nghỉ hưu như hiện tại không biết có sống được đến lúc hưu để cầm sổ hưu hay không. Các cơ quan làm luật hãy nghe tiếng lòng dân"- một bạn đọc góp ý. Với lao động trực tiếp sản xuất, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng này rất khó làm đến tuổi hưu. Theo bạn đọc Vũ Ngọc Quyền, giảm năm đóng bảo hiểm đồng nghĩa với việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu. Do vậy, để bảo đảm an sinh cần phải giảm tuổi nghỉ hưu!

Phân tích thêm, một bạn đọc tên Thủy chia sẻ: "Không ai đủ sức khỏe làm tới 60 tuổi ở nữ và 62 tuổi ở nam đâu. Bao nhiêu người bước qua tuổi 40 là bắt đầu bệnh tật liên miên. Ngoài 50 là nhiều bệnh mãn tính, chỉ cảnh giờ giấc uống thuốc và đi khám bệnh rồi. Duy nhất là tuổi nghỉ hưu nam 55, nữ 50 là đúng nhất. Có vậy người ta mới không rút bảo hiểm 1 lần".

Nhiều bạn đọc đề nghị sửa luật theo tính nhân văn hơn. Chỉ tính thời gian đóng BHXH là đủ điều kiện nghỉ hưu, không quan tâm đến tuổi nếu không giảm năm đóng BHXH chẳng có ý nghĩa gì. Nguyên tắc của BHXH là đóng hưởng. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Chẳng hạn qui định rõ đóng 15 năm hưởng 30%, 20 năm 25%, 30 năm 70%, 35 năm 75%, trên 35 năm hưởng 80% trở lên.

An Khánh ẢNH: HOÀNG TRIỀU

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/giam-nam-dong-bhxh-thi-phai-giam-tuoi-huu-20230303093927222.htm