Giảm nghèo bền vững - Bài cuối: Bài học làm đến đâu chắc đến đó

Cùng với các chính sách giảm nghèo của Trung ương, tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành những quyết sách 'đúng', 'trúng' nhằm chắp cánh cho ước mơ thoát nghèo của nhiều người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với mục tiêu 'giảm nghèo gắn với thực tế', 'giảm nghèo đến đâu chắc đến đó', các cơ chế, chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào đời sống, phát huy ý chí tự lực của người dân. Qua đó làm thay đổi căn bản, toàn diện đời sống của Nhân dân ở các huyện nghèo, các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

>> Bài 1: Rõ nguyên nhân để chắc giải pháp

>> Bài 2: An cư - Điểm tựa thoát nghèo

Con người là “chìa khóa” để giảm nghèo bền vững

Phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm từ 2 - 2,5% hộ nghèo/năm, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định giảm nghèo là chủ trương lớn và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đặc biệt, muốn giảm nghèo thành công, ngoài công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực thì người dân phải đóng vai trò chủ thể.

Tuyên truyền giảm nghèo về thông tin cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Trung Minh (Yên Sơn).

Tuyên truyền giảm nghèo về thông tin cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Trung Minh (Yên Sơn).

Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, song song với chủ trương, quyết sách đúng đắn thì vai trò của người dân, đặc biệt là người nghèo chính là nhân tố quyết định đến sự bền vững của chương trình giảm nghèo. Xác định được điều đó, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giảm nghèo, từng bước làm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của mỗi hộ nghèo. Nhiều Chương trình, dự án truyền thông giảm nghèo về thông tin đã được triển khai. Tỉnh cũng đã xuất bản sổ tay tuyên truyền giảm nghèo, phát trên 7.000 tờ rơi tuyên truyền. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức hội thi tuyên truyền viên giỏi về công tác giảm nghèo, triển khai các hội nghị đối thoại chính sách về giảm nghèo… Qua đó nhằm giáo dục, nâng cao dân trí để bà con có ý thức mạnh mẽ vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống ấm no hơn.

Thực tế cũng đã chứng minh, hỗ trợ sinh kế cho người dân là một trong những giải pháp căn cơ, cốt lõi, từng bước giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, hướng tới thoát nghèo bền vững.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024, huyện Yên Sơn triển khai 26 Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí trên 25,2 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu hỗ trợ cây giống, con giống, vật nuôi. Theo đồng chí Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, việc triển khai hỗ trợ người dân về sinh kế yêu cầu phải bám sát yêu cầu của từng đối tượng, phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương, thích ứng với đất đai, khí hậu của vùng miền. Đặc biệt, phải có sự tham gia của người dân.

Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác giảm nghèo của huyện Yên Sơn với những chương trình, chính sách hỗ trợ sinh kế đa dạng đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Các phong trào thi đua giảm nghèo cũng mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức bật để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững trên địa bàn huyện. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 15,04%, đến cuối năm 2024 phấn đấu giảm còn 11,31%.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, người dân trồng và phát triển cây cam lòng vàng ở Tứ Quận (Yên Sơn) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, người dân trồng và phát triển cây cam lòng vàng ở Tứ Quận (Yên Sơn) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Giảm đến đâu chắc đến đó

Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4%/năm trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên. Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh không còn người có công với cách mạng thuộc đối tượng hộ nghèo.

Lâm Bình là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh, được Chính phủ phê duyệt là 1 trong số 74 huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg. Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu nhiệm kỳ, giảm trung bình 6% số hộ nghèo/năm.

Để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo, huyện căn cứ tình hình thực tế giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn. Đồng thời huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép các chương trình, các chính sách giảm nghèo nhằm tạo sinh kế tốt nhất cho người dân, khuyến khích người dân tự lực vươn lên thoát nghèo, đảm bảo thoát nghèo bền vững. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 55,91%, đến cuối năm 2023 giảm còn 40,93%. Huyện phấn đấu mục tiêu cuối năm 2024 giảm tiếp 732 hộ nghèo, giảm tỷ lệ xuống còn 34,15%.

Người lao động được tạo việc làm tại các công ty trên địa bàn tỉnh giúp ổn định thu nhập, cải thiện đời sống.

Người lao động được tạo việc làm tại các công ty trên địa bàn tỉnh giúp ổn định thu nhập, cải thiện đời sống.

Thực tế cho thấy, bên cạnh yếu tố chủ thể là người dân tự lực vươn lên, còn có nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến quá trình giảm nghèo như thiên tai, dịch bệnh, điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất không phù hợp, phong tục tập quán lạc hậu… Tham gia thảo luận tại chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 4-11-2024, đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá bổ sung tác động của thiên tai để có các giải pháp giảm nghèo khả thi, hiệu quả sát với thực tế các tháng cuối năm 2024 và năm 2025. Đồng thời, đồng chí đã kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định thực hiện Chương trình giai đoạn tới với phương châm “đổi mới mạnh mẽ giúp các địa phương phát huy hết tiềm năng, thế mạnh cũng như khơi dậy sự vươn lên thoát nghèo của người dân”.

Để “giảm nghèo đến đâu chắc đến đó”, không để tái nghèo, phát sinh nghèo, song song với việc triển khai đồng bộ các Chương trình giảm nghèo cũng cần tăng cường hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, Ban Quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã trong công tác giảm nghèo, giúp việc triển khai chính sách đối với hộ nghèo đảm bảo. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo phải gần dân, sát dân, nhanh nhạy nắm bắt các vấn đề phát sinh để đề xuất, có phương án giải quyết kịp thời, khích lệ và hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Khi đạt được mục tiêu giảm nghèo đồng nghĩa với việc khoảng cách giàu nghèo trong xã hội được rút ngắn, công bằng xã hội được đảm bảo, tạo nền tảng và cơ sở cho sự phát triển. Với những kết quả khả quan đã đạt được cùng những bài học kinh nghiệm được rút ra, tin tưởng rằng, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được hiệu quả, tạo động lực để tỉnh tiếp tục phát triển, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/giam-ngheo-ben-vung-bai-cuoi-bai-hoc-lam-den-dau-chac-den-do-201466.html