Giảm nghèo bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau

Hưởng ứng phong trào thi đua (PTTĐ) 'Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau', thời gian qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh Long An huy động nguồn lực trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Hòa Hưng - Nguyễn Thị Vân Anh trao quà hỗ trợ từ mô hình Người có giúp đỡ người khó

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Hòa Hưng - Nguyễn Thị Vân Anh trao quà hỗ trợ từ mô hình Người có giúp đỡ người khó

Năm 2022, mô hình Người có giúp đỡ người khó do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ khởi xướng mang lại ý nghĩa thiết thực. Bước đầu, Hội chọn ấp 4 làm điểm, sau đó nhân rộng ra 4 ấp, thu hút sự tham gia của những hội viên PN cùng chung tấm lòng thiện nguyện với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ PN nghèo, neo đơn, khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Hòa Hưng - Nguyễn Thị Vân Anh, từ khi thực hiện mô hình đến nay, Hội vận động hỗ trợ quà cho PN nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tặng học bổng cho học sinh hiếu học; xây tặng nhà tình thương;... với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, có hộ thoát nghèo, hộ có mái ấm tình thương, hộ có được một ít kinh phí để lo cho con đến trường. Ngoài mô hình trên, Hội còn có thêm Gian hàng 0 đồng, Nâng bước em đến trường và chăm lo cho PN khuyết tật, trẻ mồ côi,...

Công tác an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được xem là “điểm sáng” của TP.Tân An. Tháng 3/2024 là thời điểm đáng nhớ với bà Trần Thị Mười (khu phố Thủ Tửu 1, phường Tân Khánh, TP.Tân An) khi gia đình được hỗ trợ mái ấm tình thương. Căn nhà có diện tích 50m2, tổng kinh phí xây dựng khoảng 80 triệu đồng, trong đó Quỹ Vì người nghèo TP.Tân An hỗ trợ 50 triệu đồng, phần còn lại do gia đình, người thân đóng góp. “Có căn nhà che nắng, che mưa, tôi mừng lắm!” - bà Mười nói.

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ năm 2021 đến nay, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và có nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là hỗ trợ hộ nghèo về tín dụng ưu đãi, vay vốn để phát triển sản xuất, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới nhà ở; hỗ trợ bảo hiểm y tế;... Trong đó có tặng hơn 1.000 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hơn 225.000 phần quà trị giá hơn 73 tỉ đồng; trao tặng tiền mặt hơn 19,1 tỉ đồng cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, tết.

Song song đó, thành phố tổ chức xây dựng và bàn giao 198 căn nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 173 căn được trao tại TP.Tân An và 25 căn được trao tại các huyện, thị xã trong tỉnh (gồm thị xã Kiến Tường và các huyện: Tân Trụ, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và Đức Huệ) với tổng số tiền gần 20,35 tỉ đồng. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ sửa chữa 81 căn nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương,... với tổng kinh phí hơn 2,1 tỉ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa.

Những năm qua, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ để người dân có công việc, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, hưởng ứng PTTĐ “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, kế hoạch. PTTĐ này thật sự là động lực quan trọng mang lại những kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo.

Đại diện các đơn vị trao bảng tượng trưng hỗ trợ công tác an xã hội trên địa bàn TP.Tân An

Đại diện các đơn vị trao bảng tượng trưng hỗ trợ công tác an xã hội trên địa bàn TP.Tân An

Thông tin từ Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, đây là một trong những PTTĐ sôi nổi, góp phần hỗ trợ hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn,... Tiêu biểu trong phong trào này là nhiều mô hình giảm nghèo bền vững; giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo của các hội, đoàn thể ở cơ sở. Những cán bộ làm công tác giảm nghèo tận tụy, gương mẫu, trách nhiệm; sự đồng hành của tập thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm,... cùng đóng góp kinh phí, công sức để giúp đỡ những hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Từ sự chung sức ấy, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm rõ rệt.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện hiệu quả PTTĐ. Nổi bật là tập trung vào các hoạt động, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách, đề xuất các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn tùy điều kiện thực tiễn của địa phương đề ra nội dung, giải pháp giảm nghèo; bố trí và huy động tối đa nguồn lực nhằm giảm nghèo; gắn PTTĐ với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phát động Tháng cao điểm Ngày vì người nghèo; tổ chức các hoạt động hỗ trợ chăm lo tết cho người nghèo cũng như xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương;...

Như Nguyệt

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giam-ngheo-ben-vung-de-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-a177175.html