Giảm nghèo bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Từ mô hình giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo các cấp chính quyền chú trọng, lồng ghép việc bảo vệ và gìn giữ môi trường.
Thoát nghèo bền vững
Những năm qua, người dân xã Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô, Kon Tum) thường canh tác bằng phương thức thô sơ, lạc hậu. Do đó, vấn đề phát triển kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Mong muốn cuộc sống của bà con ổn định hơn, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, hướng dẫn người dân áp dụng biện pháp khoa học – kĩ thuật vào sản xuất.
Bà Phan Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Nga cho hay, với những mô hình, như: Phụ nữ thay đổi nếp nghĩ cách làm, hỗ trợ giống mắc ca, sắn, bò giống... kinh tế của bà con ngày càng phát triển. Từ đó, tăng tỷ lệ xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Qua điều tra, rà soát số hộ nghèo trên địa bàn giảm từ 311 hộ xuống còn 247 hộ, chiếm tỷ lệ 27,91%. Cụ thể, số hộ nghèo giảm 64 hộ (6,9%) so với năm 2021.
Để người dân có mức thu nhập ổn định, xã Đăk Rơ Nga thường xuyên phối hợp với Trung tâm GDTX và GDNN huyện Đăk Tô tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn xã tham gia đào tạo nghề. Qua tuyên truyền đến nay có 2 lớp đào tạo nghề với 62 học viên tham gia. Xã Đăk Rơ Nga có tổng số lao động trong độ tuổi là 2.337 người, trong đó, tổng số lao động có khả năng tham gia lao động năm 2022 là 1425/1554 lao động, chiếm tỷ lệ 92%...
Bên cạnh đó, xã Đăk Rơ Nga cũng tập trung vận động nhân dân triển khai thực hiện tăng diện tích cao su, cà phê, duy trì cây sắn và phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Đến nay, diện tích cao su hiện có là 652 hecta, cà phê 154 hecta, cây sắn 851 hecta. Với những nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, người dân, ước tính thu nhập bình quân đầu người trong năm 2022 trên địa bàn xã đạt 22 triệu đồng/người/năm.
“Địa phương đã lựa chọn một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu tập trung hướng dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình từ đó làm nhân tố điển hình để nhân rộng”, bà Loan nói.
Theo bà Loan, thời gian tới UBND xã Đăk Rơ Nga tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, chú trọng lồng ghép các nguồn vốn, chính sách để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Trồng luồng chắn gió, phát triển kinh tế
Còn tại xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) người dân chú trọng trồng cây luồng để giữ đất, chắn gió và phát triển kinh tế bền vững.
Ông Vi Hồng Thoan (thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk) cho biết, cây luồng được gia đình ông trồng từ năm 1990. Lúc bấy giờ kinh tế gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Thế nhưng từ ngày trồng cây luồng, đời sống của gia đình ông dần ổn định.
Theo ông Thoan, cây luồng chỉ trồng một lần và cho thu hoạch hàng năm. Không những thế, loại cây này tốn ít công chăm sóc. Với mỗi ha cây luồng, gia đình ông sẽ thu hoạch được hàng chục triệu đồng từ việc bán măng, thân cây.
“Để phát triển bền vững chúng tôi khai thác những thân luồng già, mỗi khóm chỉ cắt tỉa 20 – 25 cây bán cho thương lái. Mặc dù số tiền không quá lớn nhưng đều đặn nên giúp gia đình cải thiện cuộc sống rất nhiều. Bên cạnh việc khai thác gia đình tôi vẫn dành thời gian để vệ sinh rừng luồng, điều tiết mật độ để đảm bảo cho cây có điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt. Đồng thời, tránh làm kiệt quệ nguồn tài nguyên đất và thoái hóa giống”, ông Thoan bộc bạch.
Theo ông Thoan, cây luồng có thể làm vật liệu xây dựng, ván ép, ván dăm, tăm, mành, đũa xuất khẩu, đồ trang trí mỹ nghệ và nguyên liệu cho sản xuất giấy. Ngoài ra có thể sử dụng những cây luồng mới mọc (được gọi là măng luồng) để xào, nấu, om hoặc chế biến thành măng khô, măng luồng muối ớt…
Bà Y Sương, Chủ tịch UBND xã Đăk Ngọk cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có hơn 10ha diện tích trồng cây luồng. Mặc dù có thời điểm thương lái đến mua với giá tương đối cao nhưng nhìn chung đầu ra cho loại cây trồng này chưa ổn định. Thế nhưng địa phương vẫn kỳ vọng các nhà đầu tư, doanh nghiệp chế biến loại cây này tìm đến, gắn bó với người dân giúp bà con tăng thu nhập…
Cây luồng là một giống tre của Việt Nam với tên khoa học Dendrocalamus membranaceus Munro. Cây luồng có kích thước lớn, không gai, lá nhỏ, mọc cụm. Thân ngầm dạng củ, thưa cây, thân khí sinh có ngọn cong ngắn. Chiều cao thân trung bình từ 15m – 18m với đường kính từ 10cm – 15cm. Năm 2012, huyện Đăk Hà có triển khai mô hình trồng thử nghiệm 100ha luồng ở vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, vùng ven sông, suối, vùng có nguy cơ xói mòn và sạt lở đất tại 4 xã, thị trấn trên địa bàn huyện gồm: Thị trấn Đăk Hà (10ha), Đăk Mar (40ha), Hà Mòn (45ha), Đăk Hring (5ha).
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giam-ngheo-ben-vung-gan-voi-bao-ve-moi-truong-post633970.html